Huế khắc phục tình trạng hơn 20 km bờ biển bị xâm thực, xói lở

Theo UBND thành phố Huế, những năm gần đây, tình trạng xâm thực, xói lở bờ biển của địa phương diễn ra rất mạnh với chiều dài khoảng hơn 20 km; trong đó đã đầu tư kè khắc phục được trên 9,8 km.

Chú thích ảnh
Phương tiện thi công đê ngầm cách bờ biển Thuận An hơn 100m, nhằm giảm tác động của sóng biển với bờ biển.

Bờ biển của thành phố Huế đoạn các phường, xã như Thuận An, Phong Quảng, Phú Vinh… bị xâm thực, xói lở thường xuyên gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là trong mùa mưa bão từ tháng 9 - 12 hàng năm. Mỗi mùa mưa bão, bờ biển ở những địa phương này bị xâm thực, xói lở sâu vào đất liền từ 3 - 5 m, có nơi từ 5 - 7m, ảnh hưởng đến sự an toàn và sinh kế của hàng nghìn hộ dân, cùng các công trình, tài sản của nhà nước và người dân.

Theo Chi cục Thủy lợi và Biến đổi khí hậu - Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế, xâm thực, xói lở bờ biển diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, kéo theo sự bất thường của thời tiết; nhất là các đợt mưa bão, lũ lụt lớn.

Thành phố Huế đã và đang huy động nguồn lực để khắc phục xâm thực, xói lở bờ biển. Hai xã Phú Thuận và Phú Hải (cũ), nay là phường Thuận An là “điểm nóng” về xâm thực, xói lở bờ biển của thành phố Huế trong những năm qua. Những năm gần đây, địa phương này cũng nhận được nguồn vốn đầu tư lớn để xây dựng kè chống xói lở bờ biển. Tháng 2/2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nay là thành phố Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xử lý xói lở bờ biển đoạn qua hai xã Phú Thuận và Phú Hải (cũ), nay là phường Thuận An với tổng vốn đầu tư 160 tỷ đồng. Dự án xây dựng các hạng mục như kè bảo vệ bờ biển, đê ngầm cách bờ biển 150 - 200 m.

Chú thích ảnh
Phương tiện thi công đê ngầm cách bờ biển Thuận An hơn 100m, nhằm giảm tác động của sóng biển với bờ biển. 

Ghi nhận của phóng viên ngày 14/7, tuyến kè bờ biển đoạn qua các thôn: Tân An - Trung An - Xuân An, xã Phú Thuận (cũ), nay là phường Thuận An đã hoàn thành. Tuyến kè này không chỉ bảo vệ bờ biển, mà còn tạo cảnh quan, bãi tắm biển thu hút du khách, qua đó tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương khi cung cấp dịch vụ cho du khách đến tắm biển. Cách biển khoảng hơn 100m, nhiều tàu lớn chở vật liệu phục vụ thi công đê ngầm nhằm giảm tác động của sóng biển đối với bờ biển.

Ông Lê Văn Dũng, người dân địa phương cho biết, xâm thực, xói lở bờ biển ở xã Phú Thuận (cũ), nay là phường Thuận An hầu như diễn ra quanh năm, mạnh nhất là mùa mưa bão khiến người dân rất lo lắng. Thời gian gần đây, những điểm xói lở bờ biển được xây dựng kè đã giúp cuộc sống, tài sản của người dân được an toàn hơn.

Chú thích ảnh
Kè chống xói lở bờ biển Thuận An, thành phố Huế giúp bảo vệ bờ biển. 

Ở những điểm xói lở bờ biển khác chưa được đầu tư xây dựng kè, thành phố Huế đã chỉ đạo cơ quan chức năng khảo sát, báo cáo để có phương án bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng kè. Khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí đầu tư xây dựng kè chống xói lở bờ biển là rất lớn, trong khi ngân sách địa phương chưa cân đối đủ nguồn lực để bố trí thực hiện. Do đó, UBND thành phố Huế đã báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn từ năm 2026 - 2030 nguồn vốn đầu tư công, để đầu tư xây dựng các công trình kè chống xói lở bờ biển trên địa bàn.

Tin, ảnh: Nguyên Lý (TTXVN)
Bãi tắm đẹp nhất Quảng Ngãi bị triều cường xâm thực​
Bãi tắm đẹp nhất Quảng Ngãi bị triều cường xâm thực​

Sóng biển, triều cường dâng cao bất thường những ngày qua, đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển Mỹ Khê, bãi tắm đẹp nhất thành phố Quảng Ngãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN