Hội thảo nhằm đánh giá đầy đủ về những thành tựu đã đạt được và làm rõ nguyên nhân, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong tiến trình 30 năm qua. Từ đó đề ra định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới; đồng thời phát huy các giá trị mới, tạo động lực, khí thế mới để tiếp tục xây dựng và phát triển tỉnh Bình Thuận với tốc độ nhanh hơn, quy mô lớn hơn, phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch.
Đây còn là dịp để khơi dậy và bồi đắp thêm niềm tin của cán bộ và nhân dân trong tỉnh đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt khó vươn lên, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An đã khái quát lại quá trình tái lập tỉnh. Ngày 1/4/1992, tỉnh Bình Thuận được chia tách từ tỉnh Thuận Hải. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phát huy truyền thống cách mạng; chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực khắc phục khó khăn; vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương, huy động nguồn lực, từng bước khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, xây dựng tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nổi bật là kinh tế của tỉnh phát triển khá nhanh với mức tăng trưởng bình quân hàng năm luôn cao hơn so với bình quân chung của cả nước (GRDP bình quân hàng năm tăng 9,07%); huy động GRDP vào ngân sách Nhà nước bình quân đạt từ 9-10%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2019 đạt hơn 13.200 tỷ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, hạ tầng thủy lợi, năng lượng, hạ tầng đô thị, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt của tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Hội thảo đã nhận được 40 bài tham luận của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để phân tích, làm rõ những "điểm nghẽn" tồn tại đồng thời đề ra giải pháp tháo gỡ, góp phần đưa Bình Thuận phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, Bình Thuận đang đứng trước nhiều thời cơ mới, khi đường cao tốc Bắc – Nam (phía Đông) đoạn qua địa bàn tỉnh, sân bay Phan Thiết sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023... Nhiều nhà đầu tư lớn đã và đang chọn Bình Thuận để đầu tư.
Trong thời gian tới, với tinh thần thống nhất ý chí và quyết tâm chính trị cao, phát huy thành tựu và bài học kinh nghiệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận quyết tâm phát huy tiềm năng, lợi thế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng, du lịch. Trong đó, công nghiệp năng lượng; du lịch và nông nghiệp được xác định là trụ cột của nền kinh tế của tỉnh theo đúng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra.