Đây là việc làm thiết thực, góp phần hỗ trợ phụ nữ vùng cao thoát nghèo, đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong phát kinh tế gia đình.
Tại các địa bàn vùng cao, biên giới của tỉnh Điện Biên, phụ nữ gặp nhiều khó khăn về kinh tế, hạn chế trong việc tiếp cận giáo dục và các cơ hội phát triển, trong khi chị em lại giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và chăm sóc gia đình.
Việc hạn chế về vốn và kiến thức kinh doanh đã khiến nhiều phụ nữ gặp khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình.
Nắm bắt được điều này, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, triển khai chương trình tín dụng ưu đãi, nhằm giúp nhiều phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn vay. Nhờ đó, nhiều phụ nữ vùng cao Điện Biên đã bước đầu thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập, tự chủ, giảm bớt sự phụ thuộc vào trợ cấp xã hội.
Gia đình chị Thùng Thị Hiền (bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ) đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nà Hỳ hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Trước đây, gia đình chị thuộc hộ nghèo, đời sống rất khó khăn, chỉ phụ thuộc vào cây lúa, cây ngô. Khi được vay 100 triệu đồng, gia đình chị đã đầu tư chăn nuôi lợn nái và gia cầm. Trong đó, đàn lợn mỗi năm cho 2 lứa, giúp gia đình chị có thu nhập ổn định. Đến nay, gia đình chị đã từng bước thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế.
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nậm Pồ đã thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đến ngày 30/9, Hội quản lý tổng dư nợ hơn 105 tỷ đồng của trên 1.800 hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nậm Pồ Lầu Thị Liên thông tin, nguồn vốn vay đã giúp hộ nghèo và nhiều đối tượng khó khăn có cơ hội phát triển kinh tế. Có điểm tựa từ nguồn vốn chính sách, các hội viên phụ nữ ở huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, gần 100 hội viên phụ nữ đã thoát nghèo.
Ông Dương Thành Nghĩa, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nậm Pồ cho biết, hằng năm, Ngân hàng phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tập huấn cho các tổ chức, đoàn thể, hội viên phụ nữ về việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Trong đó, tập trung tuyên truyền về các mô hình nuôi trâu, lợn… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, giúp hội viên phụ nữ nói riêng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đến cuối tháng 8/2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên quản lý tổng dư nợ hơn 1.200 tỷ đồng; tổng số tổ tham gia gửi tiền tiết kiệm 526 tổ, đạt 100%.
Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên cho biết, chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ngày càng phát huy được hiệu quả, nguồn vốn tăng lên hằng năm, nợ quá hạn ngày càng giảm.
Thông qua hoạt động ủy thác, hội viên phụ nữ được vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình. Vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên, góp phần thực hiện bình đẳng giới, củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, số hội viên tăng dần qua các năm.
Thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và Ban Quản lý tổ; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ vay vốn thực hiện tốt việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng, đủ điều kiện vay vốn.
Hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, xóa đói giảm nghèo bền vững; đồng thời, quan tâm đầu tư nguồn lực, tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, phụ nữ làm kinh tế giỏi.
Với sự hỗ trợ từ các chương trình tín dụng và sự nỗ lực của bản thân, phụ nữ vùng cao Điện Biên ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của gia đình và địa phương.