Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghệ nhỏ và vừa đầu tư đổi mới công nghệ

Theo bà Chu Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Sau 3 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Sở Khoa học và Công nghệ đã nhận được trên 90 đăng ký đề xuất hỗ trợ dự án đổi mới công nghệ, thuộc các lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm đồ uống, gỗ; lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng không nung, vật liệu mới; lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.

Qua xem xét, kiểm tra, đánh giá, thẩm định, Sở đã lựa chọn và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho 31 dự án đổi mới công nghệ, với tổng kinh phí đã hỗ trợ là 11.960 triệu đồng.

Thông qua hoạt động đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng chục công nghệ, quy trình công nghệ được doanh nghiệp chuyển giao, hấp thu và làm chủ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh. Trong đó, có những doanh nghiệp có năng suất lao động tăng gấp 4 - 5 lần.

Công nghệ của các dự án được hỗ trợ là những công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, có tính tự động hóa cao, phù hợp với trình độ, năng suất, công suất, nguồn lực của doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều dự án đổi mới công nghệ đã hỗ trợ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và xã hội.

Chú thích ảnh
Công ty cổ phần Gạch men TASA ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất,
kinh doanh sản phẩm. Ảnh: Lệ Thủy.

Việc ban hành và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện hoạt động đổi mới, chuyển giao, hoàn thiện công nghệ; tiếp nhận, hấp thu, làm chủ, vận hành công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; thúc đẩy hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới, hiện đại hóa, hoàn thiện công nghệ trong doanh nghiệp.

Hầu hết các dự án đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung, vật liệu mới được các doanh nghiệp thực hiện theo hình thức chuyển giao công nghệ, mua dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị đồng bộ.

Cán bộ, người lao động tham gia dự án đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn vận hành, làm chủ công nghệ đầy đủ. Công nghệ của những dự án này khi đi vào vận hành, hoạt động ổn định, cho ra sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng điều kiện, mục tiêu đề ra.

Đồng thời cũng đã góp phần tăng cường sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ngành khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nói chung và khoa học và công nghệ nói riêng.

Chủ trương, chính sách của tỉnh về hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, đổi mới hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đi vào cuộc sống, phù hợp với thực tế. Mặc dù điều kiện ngân sách của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, song hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí cho Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, đổi mới hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. 

Qua chương trình hỗ trợ, ngoài sự thay đổi về năng suất, chất lượng sản phẩm, thị trường, thì một trong những lợi ích mà chương trình hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp mang lại là các dự án chủ yếu sử dụng công nghệ của các nước công nghiệp phát triển như: Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những công nghệ mới, tiên tiến thuộc loại bậc nhất của tỉnh. Công nghệ của các dự án được doanh nghiệp tiếp thu, làm chủ, vận hành thành thạo, khi đi vào vận hành công nghệ này hoạt động ổn định, không xảy ra sự cố, góp phần mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp và xã hội.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới công nghệ, chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ của tỉnh đến năm 2030 đặt mục tiêu hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ để các doanhg nghiệp làm chủ, tạo ra một số sản phẩm chủ lực, trọng điểm, hỗ trợ công nghệ tiên tiến phù hợp, hiệu quả với nhu cầu của doanh nghiệp… 

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, hỗ trợ các dự án chuyển giao, làm chủ, phát triển, đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh.

PV
Tập trung vào những khâu đột phá trong phát triển thị trường khoa học công nghệ
Tập trung vào những khâu đột phá trong phát triển thị trường khoa học công nghệ

Ngày 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp nghe báo cáo về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN