Theo cử tri Lê Vũ Tiến, trong các nội dung chất vấn, anh tâm đắc nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ.
Trong thời gian qua, nhiều văn bản của Nhà nước đã được ban hành nhằm huy động, khuyến khích nguồn vốn xã hội, các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ như: Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao trình độ và năng lực sản xuất, Nhà nước đã tăng cường nguồn lực cho đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp.
Cử tri Lê Vũ Tiến cho rằng, những quy định mới đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp được chủ động quyết định nội dung, kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, từ đó thúc đẩy xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ. "Đây là cơ sở để doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình", cử tri Lê Vũ Tiến chia sẻ.
Về hỗ trợ hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp, anh Lê Vũ Tiến đánh giá, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện các hoạt động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp như: xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới các chuyên gia tư vấn về các công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; tổ chức các sự kiện trình diễn, giới thiệu công nghệ... nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức nghiên cứu với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, anh Lê Vũ Tiến cho rằng: hiện nay, Việt Nam vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách hữu hiệu để huy động nguồn lực xã hội cho khoa học và công nghệ, trong đó có nguồn lực từ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chưa giải quyết được các vướng mắc, tồn tại trong việc xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế, chính sách đầu tư công, tài chính công chưa “cởi trói” cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thực tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn mang nặng tính hình thức và "hô hào" khẩu hiệu. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đi vào cuộc sống do có những yêu cầu về thủ tục rườm rà và không thuận lợi với doanh nghiệp.
Thực tế, số lượng sản phẩm khoa học và công nghệ được ứng dụng vào sản xuất và đời sống còn khiêm tốn. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, có khả năng ứng dụng, nhân rộng vào sản xuất và đời sống nhưng còn hạn chế trong hoạt động thông tin, truyền thông, kết nối cung - cầu, chưa có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng… Quy mô ứng dụng sản phẩm khoa học và công nghệ còn nhỏ, ít dự án ứng dụng quy mô lớn có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, liên vùng, quốc gia.
Anh Lê Vũ Tiến cho rằng, thời gian tới, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử để nâng cao chất lượng sản xuất sản phẩm, tăng cường việc ứng dụng và phát triển các công nghệ mới, hiện đại trong doanh nghiệp, đồng thời sửa đổi, bổ sung các nội dung hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tăng cường liên kết nghiên cứu với các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, các doanh nghiệp FDI để giúp các doanh nghiệp trong nước sớm tiếp cận, nghiên cứu, làm chủ và phát triển các công nghệ hiện đại.
Cử tri đề nghị Nhà nước cần triển khai có hiệu quả các cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; hoàn thiện cơ chế đối tác công tư, hành lang pháp lý cho nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư cộng đồng, các nền tảng công nghệ số huy động vốn đầu tư nhằm huy động thêm các nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.