Định Quán vững bước xây dựng Nông thôn mới nâng cao

Huyện Định Quán có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ nguồn nước cho hồ Trị An, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái.

Hiện tại, huyện có 14 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó thị trấn Định Quán là trung tâm hành chính của huyện. Với mục tiêu đến năm 2023 sẽ trở thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, tập thể cán bộ toàn huyện đã triển khai những hành động cụ thể để đáp ứng các tiêu chí theo bộ quy chuẩn được quy định.

Cuối tháng 8/2023, Bí thư Huyện ủy Định Quán Trần Bá Đạt đã đến thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Cùng đi có đại diện lãnh đạo UBND huyện, Trưởng, phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.

Đoàn đã đến thăm các mô hình nuôi heo hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm với Tập đoàn Quế Lâm của hộ ông Đỗ Thế Lực, ngụ ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định; mô hình trồng nấm của ông Trần Văn Bảo ở ấp 4, xã Suối Nho; mô hình trồng rau của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Suối Nho và mô hình trồng sầu riêng và bưởi da xanh của Tổ hợp tác Bưởi Sầu riêng ấp 94 ở Túc Trưng.

Sau khi trực tiếp thăm mô hình, Bí thư Huyện ủy Trần Bá Đạt đã đánh giá cao nỗ lực tìm tòi, vượt khó của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân bước đầu áp dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong việc đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn đến với người tiêu dùng.

Đồng thời nhấn mạnh, phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện là một trong bốn đột phá mà Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIII đề ra. 

Chú thích ảnh
Bí thư Huyện ủy Định Quán Trần Bá Đạt thăm mô hình trồng rau của Hợp tác xã Nông nghiệp Suối Nho ở xã Suối Nho, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Sự chỉ đạo đúng đắn

Định Quán là huyện nông nghiệp miền núi của tỉnh Đồng Nai - cách thành phố Biên Hòa 90 km, TP Hồ Chí Minh 120 km về phía Đông Bắc, cách TP Đà Lạt 185 km về phía Tây Nam. Huyện có diện tích tự nhiên là 97.135 ha, chiếm 16,4% toàn tỉnh, đứng thứ hai trong tỉnh (sau huyện Vĩnh Cửu), trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 75.219 ha (đất sản xuất nông nghiệp 41.080 ha; đất lâm nghiệp 33.551 ha...); đất có mặt nước chuyên dùng 17.592 ha. Dân số là 185.157 người, với 89% dân số sống ở nông thôn; mật độ dân số 195 người/km2, dân cư sống khá thưa so với mật độ trung bình của cả tỉnh (469 người/km2). 

Là huyện nghèo miền núi của tỉnh Đồng Nai, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Định Quán đứng trong tốp giữa của tỉnh Đồng Nai, điều kiện triển khai thực hiện chương trình còn nhiều khó khăn, phải giải quyết từng bước bằng kế hoạch cụ thể. 

Dựa vào thế mạnh cơ sở tiềm năng lợi thế “Nông nghiệp vùng núi sinh thái”, huyện Định Quán xác định rõ nội dung chỉ đạo “Xây dựng nông thôn mới đi đôi với phát triến sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và bền vững”, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. 

Với phương châm lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập làm gốc trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những chính sách hiện có của Trung ương, tỉnh về hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; huyện cũng có những chính sách riêng. 

Cụ thể là công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được Huyện ủy chú trọng và đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy định hướng chỉ đạo, triển khai công tác truyền thông đúng trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của Phong trào “Cả huyện chung sức xây dụng NTM” thống nhất nhận thức và thay đổi tư duy của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân về xây dựng NTM. 

Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động tuyên truyền, truyên thông đã được đấy mạnh thực hiện như: Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện tuyên truyền về xây dựng NTM và Chương trình OCOP, truyền tải các thông điệp về phát triển bền vững, phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, vai trò của cộng đồng và cán bộ cơ sở.

Ngoài ra, trên cơ sở đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình NTM, huyện khơi dậy và huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Mô hình sạ lúa sử dụng máy bay không người lái được áp dụng tại cánh đồng lúa ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Những thành quả đạt được đều đáp ứng các tiêu chí Nông thôn mới nâng cao

Năm 2018, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với 13 xã trên toàn huyện đều đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 12 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao (chiếm 92%) và 9 xã duy trì, giữ vũng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 75%), thị trấn Định Quán đã được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Ngoài các tiêu chí được huyện triển khai theo đúng bộ quy chuẩn thì xây dựng được các mô hình thực tế chính là điểm sáng với mô hình chăm sóc lúa bằng Drone của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bàu Kiên ở xã Thanh Sơn.

Hiện HTX nông nghiệp Bàu Kiên đang thực hiện mô hình chuỗi liên kêt sản xuất lúa với diện tích 150 ha,  HTX sẽ cung ứng vật tư đầu vào gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời thực hiện chăm sóc lúa bằng Drone. Vào thời điểm phun thuốc bảo vệ thực vật cần phải phun thuốc đồng loạt và chỉ cần hai nguời vận hành, trong ba ngày sẽ phun hoàn thành 150 ha ruộng lúa. 

Việc đưa máy bay vào phục vụ sản xuất nồng nghiệp đã hoàn toàn thay đổi tập quán sản xuất của bà con nơi đây,nhất là trong điều kiện thiếu nhân công lao động như hiện nay. Không những thế, điều quan trọng hơn hết là đảm bảo sức khỏe cho nông dân khi không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật như cách bơm xịt trực tiếp như trước đây. Ngoài ra, lúa được gieo sạ, xử lý đồng bộ nên ngăn ngừa sâu bệnh tốt và thu hoạch đồng loạt cùng thời điểm đã mang lại năng suất cao.

Từ khi sử dụng máy bay đã giảm khoảng 30% nhân công sản xuất trực tiếp; lượng thuốc sử dụng giảm, nhưng hiệu quả lại tăng khi thuốc được phun đều, thời gian tác dụng của thuốc nhanh hơn và lúa thu hoạch cho năng suất cao hơn từ 5- 6 tấn/ha lên 7-8 tấn/ha. Đến khi thu hoạch giá lúa sẽ được doanh nghiệp và người dân định giá có sự chứng kiến của nhà nước nên giá lúa không còn phải phụ thuộc vào thương lái. Với mô hình nêu trên đã làm tăng doanh thu lên 30% so với phương pháp sản xuất trước đây, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Đồng thời, mô hình môi trường sạch đẹp góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới được triển khai tại xã Phú Hoà với nhiều cách làm sáng tạo để xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản, mô hình này đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng của người dân. 

Hằng tháng, người dân xã Phú Hoà, huyện Định Quán lại cùng nhau tổng vệ sinh môi trường ở khu dân cư, mỗi người một việc, từ thu gom rác thải, phát quang cây bụi ven đường, khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm đến chăm sóc, cắt tỉa các tuyến đường hoa. 

Chú thích ảnh
Khu dân cư xanh sạch đẹp ở xã Phú Hòa, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Kể từ khi mô hình tổ tự quản được xây dựng, bà con trong xã đã hình thành thói quen tham gia tổng vệ sinh môi trường. Ban Công tác Mặt trận xã, ấp cũng đã chủ trì phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên xây dựng và duy trì tổ tự quản bảo vệ môi trường. 

Tại các ngõ, xóm, các tổ liên gia tự quản được hình thành và giao trách nhiệm cho các thành viên Ban Công tác Mặt trận ấp phụ trách, tuyên truyền, vận động bà con cùng chung tay thực hiện. 

Đến nay mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường đã được xây dựng, nhân rộng trên địa bàn huyện Định Quán và nhận được sự tham gia tích cực của người dân. Việc bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn đã được lồng ghép vào đánh giá tiêu chí thi đua của các gia đình văn hóa, ấp văn hóa hàng năm.

Định Quán coi việc lấy nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trọng tâm hoạt động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu.

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Huyện ủy luôn quan tâm chỉ đạo phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ người dân về cơ chế chính sách như vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai, giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nông nghiệp tạo thuận lợi cho các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu đầu tư phát triển nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân và xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao tại địa phương. Bí thư Huyện ủy Trần Bá Đạt nhấn mạnh./.

Bài và ảnh:  Đất Việt
Nhiều mô hình hay trong phát triển hữu cơ ở Đồng Nai
Nhiều mô hình hay trong phát triển hữu cơ ở Đồng Nai

Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một trong những nhiệm vụ đột phá tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Vì vậy, ngay từ đầu, các địa phương đều vào cuộc với sự quyết liệt và có đầu tư để hướng đến việc phát triển nông nghiệp hiện đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN