Hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải Dĩ An. Ảnh tư liệu: Nguyễn Văn Việt/TTXVN
Theo đó, đến tháng 7/2025, nhiều dự án quan trọng đã hoàn tất thủ tục thiết kế, giải phóng mặt bằng và đang bước vào giai đoạn chuẩn bị thi công, góp phần cải thiện môi trường đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân và tăng sức hút đầu tư trên địa bàn.
Dự án trọng điểm đang triển khai là dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương (cũ), sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng thế giới (WB) đã được ký kết vào ngày 4/2025 giữa Chính phủ Việt Nam và ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD). Theo đó, thiết kế các hạng mục đạt khoảng 85%, trong đó đã hoàn tất thiết kế nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Thuận An, Dĩ An và mạng lưới thu gom khu vực Thuận An.
Hiện đơn vị đang thẩm tra các hạng mục còn lại, gồm nhà máy xử lý nước thải Tân Uyên và các mạng lưới tại Dĩ An, Tân Uyên; đồng thời, các gói thầu tư vấn giám sát, quản lý hợp đồng và hồ sơ mời sơ tuyển cũng đang được hoàn thiện để phục vụ công tác đấu thầu xây lắp trong thời gian tới.
Liên quan đến giải phóng mặt bằng phục vụ dự án này, đến tháng 4/2025, đã thực hiện bồi thường cho 53 hộ dân (trong đó có 1 tổ chức), với tổng diện tích hơn 117.000 m2 tại khu vực nhà máy Tân Uyên 2 và tuyến suối Cầu Tre, phường Uyên Hưng. Còn lại hai hộ dân chưa nhận tiền do vướng mắc thủ tục pháp lý và tranh chấp đất, chính quyền địa phương đang phối hợp xử lý dứt điểm để đảm bảo mặt bằng thi công đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch chi tiết 1/500 tại các khu vực đặt nhà máy xử lý nước thải cũng đang được chính quyền các phường và thành phố trực thuộc phối hợp thực hiện theo quy định mới về phân cấp. Đồ án quy hoạch nhà máy tại Thuận An đã được phê duyệt; quy hoạch tại Dĩ An và Tân Uyên đang chờ UBND phường mới ban hành quyết định phê duyệt sau khi đã lấy ý kiến các sở ngành liên quan.
Trong giai đoạn tiếp theo, Ban Quản lý dự án sẽ trình các hồ sơ thiết kế đã thẩm tra để Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thẩm định, hoàn thiện hồ sơ mời thầu và phối hợp với trung tâm phát triển quỹ đất, UBND phường Tân Uyên tiếp tục chi trả đền bù các hộ còn lại. Đồng thời, đơn vị sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng hợp đồng vay lại và thực hiện thủ tục đấu thầu theo quy định sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Cùng với dự án trên, ban quản lý dự án đang triển khai nhiều chương trình hợp tác quốc tế nhằm mở rộng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn. Tại Bến Cát, dự án sử dụng vốn chương trình đầu tư công (PIF) từ Chính phủ Phần Lan đã hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Tài chính thẩm định vào ngày 6/2025. Tại Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, dự án giai đoạn 2 đang được đề xuất tài trợ từ chương trình DRIVE của Chính phủ Hà Lan. Cơ quan Invest International đã có thư xác nhận tiềm năng tài trợ giai đoạn phát triển và đang chờ UBND TP Hồ Chí Minh (mới) trình hồ sơ đề xuất lên Bộ Tài chính xem xét.
Bên cạnh các dự án đầu tư mới, vận hành hệ thống xử lý nước thải hiện hữu cũng đang được chú trọng. Hiện 4 nhà máy xử lý nước thải gồm Thủ Dầu Một (vận hành từ năm 2013), Thuận An (từ năm 2017), Dĩ An ( từ năm 2019), Tân Uyên 1 (từ năm 2019) đang hoạt động ổn định; tuy nhiên, do nhiều thiết bị đã qua thời gian sử dụng dài, ban quản lý dự án đang lập hồ sơ khảo sát, báo cáo kinh tế kỹ thuật để trình TP Hồ Chí Minh (mới) bố trí kinh phí sửa chữa lớn.
Trong thời gian chờ đấu thầu lựa chọn đơn vị vận hành mới, vận hành các nhà máy vẫn được thực hiện bởi Công ty cổ phần - Tổng Công ty nước - môi trường Bình Dương (BIWASE) theo hợp đồng chi phí thực tế. Đơn giá xử lý nước thải đang được lập trình để Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thẩm định, làm cơ sở mời thầu chính thức.