Để phát triển cà phê bền vững, một giải pháp tất yếu là hình thành chuỗi liên kết trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 39 tổ hợp tác và 53 hợp tác xã nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cà phê. Trong số đó, tỉnh có khoảng 31 hợp tác xã cà phê có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp và 5 hợp tác xã có sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Hợp tác xã sản xuất cà phê hiện nay hoạt động mang lại hiệu quả khá cao, phù hợp với điều kiện sản xuất cà phê của tỉnh và là xu hướng phát triển tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế.
Thực tiễn, liên kết sản xuất đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất cà phê ở các hộ nông dân và cải thiện lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’Gar) thành lập vào tháng 9/2015, hiện có 154 thành viên, canh tác trên diện tích 232 ha.
Những năm qua, hợp tác xã hướng dẫn thành viên sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững như: Trồng xen canh cây tiêu trong vườn cà phê, sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, sản xuất cà phê đặc sản. Hợp tác xã điều kiện cho thành viên tiếp cận thị trường, thường xuyên cập nhật các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất.
Gia đình bà Đào Thị Lý, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’Gar trồng 2 ha cà phê, tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Quyết Tiến hơn 6 năm nay. Tham gia hợp tác xã, gia đình bà được hướng dẫn sản xuất theo hướng hữu cơ, được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư nhà màng, máy chế biến ướt, hệ thống tưới nước tiết kiệm. Hiện nay, bà đã thành thạo quy trình cà phê chế biến ướt. Cà phê sau khi hái về được đưa vào máy lựa chọn quả chín, sau đó tách bóc vỏ và chuyển đến nhà màng phơi khô.
Bà Đào Thị Lý chia sẻ, từ khi vào hợp tác xã thì bán cà phê giá cao hơn thị trường từ 10.000 đồng/kg trở lên. Kinh tế gia đình cải thiện hơn so với trước đây khiến gia đình yên tâm, tập trung tái canh, chăm sóc tốt vườn cây.
Ngoài ra, từ khi tham gia hợp tác xã, gia đình được hướng dẫn thu hoạch khi cà phê đạt quả chín từ 90% trở lên. Có nhà màng, gia đình cũng không sợ mưa ướt. Ưu điểm của phương pháp chế biến ướt là giữ được trọn vẹn, đồng nhất hương vị cà phê. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm tăng lên hơn 30% so với phương pháp chế biến khô, thu nhập cũng tăng lên đáng kể trên cùng diện tích.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) là doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong chuỗi liên kết với hệ thống nông dân để sản xuất cà phê bền vững, đạt các tiêu chuẩn quốc tế và áp dụng các phương thức canh tác mới. Đến nay, công ty đã liên kết với 40.000 hộ nông dân, diện tích 48.000 ha cà phê.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, Simexco đã liên kết với nông dân tại 6 huyện ở tỉnh Đắk Lắk để sản xuất cà phê có chứng nhận, bền vững. Nông hộ liên kết với Simexco đều được chứng nhận theo các bộ tiêu chuẩn bền vững.
Sau 11 năm liên kết với nông dân, công ty đã có những vùng sản xuất quy mô với 20 hợp tác xã sản xuất cà phê, mục tiêu tiến tới thành lập mỗi xã một hợp tác xã. Các hợp tác xã liên kết tạo thành cánh đồng mẫu lớn, đóng vai trò lớn trong chuỗi giá trị cà phê Việt Nam và định hướng cho hợp tác xã từ tăng năng suất đến tăng chất lượng, tăng giá trị, đa giá trị từ cây cà phê.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, cần tổ chức lại sản xuất cà phê từ manh mún, nhỏ lẻ sang hướng hợp tác, liên kết. Các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết nông dân để có vùng sản xuất tập trung, thành viên hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau và hưởng ưu đãi từ các chính sách để cùng vươn lên. Ngoài các chính sách nhà nước cần kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp liên kết, hợp tác với các vùng sản xuất từ tổ chức sản xuất đến khâu đưa ra thị trường tiêu thụ.
Còn theo đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp, nông dân đã khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của các doanh nghiệp; trong đó hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò là cầu nối hết sức quan trọng; đồng thời tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất cà phê.
Việc liên kết sản xuất giúp nông dân tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn; doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thu mua, giảm chi phí, tỷ lệ hao hụt trong chế biến, lợi nhuận cao hơn sẽ hỗ trợ trở lại cho nông dân nhiều hơn.
Còn với nông dân tham gia chuỗi liên kết, sẽ trực tiếp bán hàng cho doanh nghiệp, không phải qua trung gian. Đồng thời, nông dân cũng nắm bắt được tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp cần thu mua, từ đó điều chỉnh hành vi canh tác phù hợp.
Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần tập trung thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê tại địa phương, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp để liên kết giữa nông dân - hợp tác xã với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, áp dụng và thực hiện có hiệu quả các chính sách của nhà nước hiện hành trong hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi, vùng nguyên liệu cà phê như Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT; dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiệu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.