Chủ động di dời, đảm bảo an toàn cho người dân khi xả tràn nước lũ

Ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lớn kéo dài cùng với việc xả tràn nước lũ hồ chứa khiến một số khu vực ở tỉnh Lạng Sơn phải di dời người dân để tránh ngập, đảm bảo an toàn...

Chú thích ảnh
Lãnh đạo UBND thành phố và Công an thành phố Lạng Sơn kiểm tra công tác hỗ trợ nhân dân di chuyển đồ đạc. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Di dân trong đêm

Mưa lớn trong nhiều ngày qua, kết hợp với việc hồ chứa Bản Lải, huyện Lộc Bình xả tràn từ 9 giờ 30 phút ngày 8/9 là nguyên nhân chính dẫn đến mực nước sông Kỳ Cùng, đoạn qua thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) dâng cao. Tối 8/9, nước trên sông Kỳ Cùng ở mức 255.2m, trên báo động cấp II là 1,2m, nước vẫn đang lên chậm, đỉnh lũ đạt 255.8m vào khoảng 1 giờ 9/9. Chính quyền, cơ quan chức năng thành phố Lạng Sơn đã di dời hơn 100 hộ dân ở khối Cửa Bắc, phường Chi Lăng sống dọc bên bờ sông Kỳ Cùng để đảm bảo an toàn...

Ghi nhận của phóng viên TTXVN vào lúc 21 giờ ngày 8/9, một số tuyến đường dọc khu dân cư gần bờ sông Kỳ Cùng, phường Chi Lăng đã ngập sâu từ 30 - 50cm, một số vị trí sâu hơn. Công tác ứng phó với nước sông dâng cao được cấp ủy, chính quyền và người dân hưởng ứng, triển khai khẩn trương. Các hộ dân có nhà cao tầng, kiên cố đã kê cao đồ đạc, di chuyển tài sản lên tầng 2. Những gia đình ở nhà cấp 4, nằm ở vùng thấp, trũng, lực lượng chức năng đã đến từng nhà hỗ trợ di chuyển về nơi an toàn.

Công an thành phố Lạng Sơn đã huy động 100% quân số kết hợp với các lực lượng liên quan sử dụng loa phóng thanh kêu gọi, tuyên truyền để người dân chủ động phương án di dời. Những hộ ở vùng thấp, trũng, nhà thấp, nhỏ, có nguy cơ bị ngập lụt, nguy hiểm, lực lượng chức năng kiên quyết di dời, đến khi nước rút mới được về nhà.

Chú thích ảnh
Một số tuyến đường gần gần khu vực sông Kỳ Cùng bị ngập sâu từ tối 8/9 khiến các phương tiện phải quay đầu tìm đường khác. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Hoa ở khối Cửa Bắc, phường Chi Lăng cho hay, gia đình bà đã ở đây mấy chục năm. Để đề phòng nước ngập vào nhà, gia đình đã nâng nền nhà cao hơn mặt đường khoảng 50cm. Năm nay, sau bão số 3 dự báo sẽ xuất hiện thêm nhiều đợt mưa lớn, nguy cơ sạt lở, ngập úng cao. Do vậy, gia đình đã chuyển đồ đạc lên tầng 2 ngay trong đêm, không chờ đến khi nước sắp vào nhà mới làm như trước đây.

Anh Trần Kiên ở đường Trương Nhị, phường Chi Lăng chia sẻ, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, từ chiều 8/9, gia đình đã nhờ người thân đến chuyển toàn bộ đồ đạc lên các tầng trên. Người dân ở khu vực ven sông Kỳ Cùng đã có kinh nghiệm “sống chung” với mưa lũ, nước sông dâng cao nên luôn chủ động phương án phòng, chống; không ra ngoài đường vào thời điểm đỉnh lũ, không đến gần khu vực bờ sông hay nơi có dòng nước chảy xiết...

Đảm bảo an toàn

Trực tiếp chỉ đạo việc di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trong đêm 8/9, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn Nguyễn Văn Hạnh thông tin, thành phố đã huy động tối đa lực lượng, từ lãnh đạo thành phố, các phòng ban, đơn vị chức năng của xã, thị trấn bị ảnh hưởng, có khả năng ngập lụt mỗi khi nước sông Kỳ Cùng dâng cao thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; chốt trực, thường xuyên kiểm tra mực nước sông để ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra.

Đến khoảng 23 giờ ngày 8/9, toàn bộ công tác di dời người dân, hỗ trợ di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn tại khối Cửa Bắc, phường Chi Lăng đã hoàn thành. Dù vậy, cơ quan chức năng vẫn thường trực xuyên đêm để theo dõi sát diễn biến nước lũ, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh nếu có.

Mưa lớn kéo dài liên tục trong những ngày qua, đặc biệt là tại hồ chứa nước Bản Lải, huyện Lộc Bình và Nhà máy Thủy điện Bản Nhùng, huyện Văn Quan đang xả tràn nước lũ... tiềm ẩn nguy cơ ngập úng cao. Thực tế cho thấy, tại các huyện: Hữu Lũng, Văn Quan, Văn Lãng, Chi Lăng... mực nước tại các khu vực sông, suối liên tục tăng, cao gây ngập cục bộ nhiều nơi, làm đảo lộn cuộc sống của nhân dân...

Chú thích ảnh
Lưc lượng chức năng thành phố Lạng Sơn hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở khu vực khối Cửa Bắc, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo sơ tán dân, di chuyển tài sản đối với những khu vực có khả năng bị ngập lụt do xả lũ, nhất là các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn để đảm bảo an toàn cho người dân...

Cơ quan chức năng địa phương khuyến cáo, người dân không đến gần khu vực hồ chứa nước hoặc khu tích trữ nước của nhà máy thủy điện để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Đơn vị quản lý, khai thác, vận hành hồ chứa nước, nhà máy thủy điện xây dựng kế hoạch xả tràn nước lũ, thông báo sớm, rộng rãi cho nhân dân nắm đươc để chủ động ứng phó.

Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Nước sông Hồng tại Yên Bái dâng cao, nhiều nhà dân bị ngập sâu
Nước sông Hồng tại Yên Bái dâng cao, nhiều nhà dân bị ngập sâu

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, mực nước sông Hồng (sông Thao) ghi nhận lúc 21 giờ ngày 8/9 là 33 mét (trên báo động 3 là 1 mét).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN