Chủ các quán cà phê tự nguyện tháo dỡ công trình chiếm dụng tại Khu Di tích Bạch Dinh

Hàng loạt quán cà phê, giải khát nằm trong khuôn viên của Khu Di tích Bạch Dinh, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được các chủ quán tự nguyện tháo dỡ, ngày 13/1.

Chú thích ảnh
Việc đòi diện tích đất bị chiếm dụng tại di tích Bạch Dinh Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải kiện ra tòa mới đòi được đất.

Việc tháo dỡ này là thực hiện theo bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau vụ kiện "tranh chấp hợp đồng thuê tài sản và bồi thường thiệt hại" giữa Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các hộ kinh doanh cà phê, giải khát nơi đây.

Theo ghi nhận của phóng viên, toàn bộ chủ của 5 quán kinh doanh nước uống giải khát, cà phê đã tự tháo dỡ gần như các hạng mục lớn, công nhân đang hoàn thiện việc xây bao lại bờ tường, vận chuyển đồ đạc ra khỏi Khu Di tích.

Ông Trần Anh Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sau khi bản án của Tòa án nhân dân tỉnh có hiệu lực, các hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ, di dời các vật liệu, kiến trúc, tài sản có trên đất để bàn giao lại cho Bảo tàng. “Việc tự tháo dỡ được các chủ cơ sở kinh doanh thực hiện, địa phương chưa áp dụng phương án cưỡng. Dự kiến phải qua Tết mới xong do còn phải vận chuyển đồ đạc, dọn sạch mặt bằng. Sau khi các cơ sở này hoàn tất, Bảo tàng tỉnh sẽ có văn bản xin chủ trương của tỉnh liên quan đến khu vực này”, ông Trần Anh Thiện thông tin.

Liên quan đến vụ việc này, vào năm 2011, khoảng 2.500 m2 đất mặt tiền đường Trần Phú nằm trong khuôn viên của Khu Di tích Bạch Dinh (khu vực II) được Bảo tàng tỉnh ký hợp đồng kinh tế số 45 với ông Đ.H.C để cho thuê kinh doanh cà phê, giải khát, với giá cho thuê thời điểm đó là 72 triệu đồng/tháng, thời gian thuê 5 năm. Sau khi ký hợp đồng, ông C. lại ký hợp tác kinh doanh với 5 người khác để mở các quán cà phê giải khát khác nhau.

Hợp đồng cho thuê là 2.500 m2 nhưng thực tế, diện tích đất các hộ này sử dụng lên tới 4.200 m2, một diện tích đất rất lớn bị "xài chùa" hơn 10 năm qua.

Hợp đồng hai bên ký kết ghi rõ khi hết thời hạn thuê (cuối tháng 10/2016), bên thuê phải tháo dỡ vật dụng để trả lại mặt bằng theo hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, quá thời hạn trên, bất chấp các văn bản đề nghị trao trả hiện trạng di tích của Bảo tàng tỉnh, các quán cà phê ở đây vẫn hoạt động bình thường. Sau nhiều lần "đòi đất" không thành, cả hai bên phải đưa nhau ra Tòa xử lý.

Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu và phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Bảo tàng tỉnh, yêu cầu bên thuê tháo dỡ và di dời những tài sản, công trình, vật kiến trúc và giao trả mặt bằng.

Tòa buộc các bị đơn phải hoàn trả cho Bảo tàng tỉnh một số khoản tiền thuê còn nợ và bồi thường thiệt hại do chậm bàn giao mặt bằng thuê. Bảo tàng tỉnh có trách nhiệm trả lại cho các bị đơn một số khoản tiền như tiền thuê thu vượt quá, tiền thế chấp mặt bằng với tổng số tiền là hơn 870 triệu đồng.

Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Khánh Hòa: Tăng cường cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm
Khánh Hòa: Tăng cường cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm

Ngày 16/11, UBND thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho biết đã có báo cáo về tiến độ triển khai công tác cưỡng chế các công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn thành phố với hàng trăm công trình nhà ở, biệt thự xây dựng trái phép, trong diện buộc phải thực hiện biện pháp cưỡng chế tháo dỡ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN