Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo nhìn từ trên cao
Thôn Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) có 64 hộ dân, thì cả 64 hộ đều được Nhà nước giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân nơi đây đã có thêm nguồn thu nhập, giúp phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, rừng giao quản lý, bảo vệ còn là nơi nuôi dưỡng địa lan, loài cây mang lại giá trị du lịch lớn, biến Vi Rơ Ngheo trở thành “làng địa lan” và được công nhận là làng du lịch cộng đồng vào năm 2023.
Cụ thể, 64 hộ dân của làng Vi Rơ Ngheo được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ hơn 530 ha rừng từ năm 2014. Đến năm 2019, cộng đồng thôn tiếp tục được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông khoán bảo vệ khoảng 300 ha rừng. Diện tích rừng thuộc Tiểu khu 410, nằm khu vực xung quanh làng, nên việc quản lý, bảo vệ được Ban quản lý cộng đồng làng bố trí, phân công cho các hộ dân một cách cụ thể, chia làm bốn tổ để đi tuần tra, kiểm soát diện tích rừng được giao.
Ông A Hiền, trú thôn Vi Rơ Ngheo cho biết, gia đình ông được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ gần 30 ha từ năm 2014. Từ diện tích này, mỗi năm ông Hiền được nhận hơn 30 triệu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Riêng năm 2023, ông nhận được 35 triệu đồng. Nhờ số tiền trên, ông đã có thêm nguồn kinh phí để xây dựng, đầu tư vào hệ thống homestay đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại thôn.
“Tôi đã có thể mua thêm nệm, chăn, mùng,… để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của du khách. Qua đó, tạo được thiện cảm với các du khách, khi họ quay lại du lịch tại làng sẽ tiếp tục đến homestay để ở. Ngoài ra, các du khách cũng sẽ giới thiệu cho bạn bè, người thân đến ở khi đến Vi Rơ Ngheo du lịch”, ông A Hiền nói.
Nhờ có tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con thôn Vi Rơ Ngheo đã làm được homestay để đón khách lưu trú
Ông A Cương, Bí thư Chi bộ thôn Vi Rơ Ngheo cho biết, bên cạnh được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ rừng, cộng đồng thôn Vi Rơ Ngheo cũng được nhận khoán quản lý, bảo vệ khoảng 300 ha rừng. Nhờ diện tích này, mỗi năm cộng đồng thôn nhận được khoảng 200 triệu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này được đưa vào quỹ thôn, phục vụ cho các hoạt động chung của thôn.
“Cộng đồng thôn trích 40 – 50 triệu để phục vụ cho việc đầu tư vào hệ thống giao thông, xây dựng cảnh quan của thôn hoặc tu sửa những vật dụng, chậu lan bị hư hỏng. Nhờ vậy, thôn luôn giữ được sự sạch sẽ, phong cảnh đẹp để du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, trong diện tích 300 ha nhận khoán, có khu vực đồi địa lan, là điểm đến ưa thích của du khách mỗi khi đến thôn. Vì vậy, cộng đồng thôn luôn ý thức được vai trò quan trọng của rừng và thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ, không để rừng bị xâm hại hoặc cháy rừng kể từ năm 2019 đến nay”, ông A Cương chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Tăng đánh giá, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Nhờ chính sách này, bà con nhân dân trên địa bàn xã từ nhiều năm nay đã biết trồng rừng, phát triển rừng, không còn tư tưởng khai thác rừng trái phép.
Riêng với thôn Vi Rơ Ngheo, nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mỗi hộ dân được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ rừng nhận được từ 8 – 34 triệu đồng/năm. Số tiền trên được bà con sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, cải tạo nhà cửa, xây dựng các homestay để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cộng đồng thôn cũng nhận khoán quản lý, bảo vệ khoảng 300 ha, mang về nguồn thu tương đối ổn định cho thôn. Số tiền này được bà con thôn Vi Rơ Ngheo chi tiêu, sử dụng hợp lý, đặc biệt cho việc phát triển du lịch của thôn.
“Nhờ vào việc xây dựng hình ảnh đồi địa lan tại khu vực nhận khoán khoảng 300 ha, cùng với việc chỉnh trang khu vực sinh sống của cộng đồng thôn, thôn Vi Rơ Ngheo đã được công nhận là Làng du lịch cộng đồng vào năm 2023. Đây không chỉ đánh dấu những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và bà con nhân dân trong thôn, mà còn khẳng định vai trò của rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với thôn Vi Rơ Ngheo, đưa hình ảnh của thôn đến với du khách trong và ngoài nước, giúp Vi Rơ Ngheo đón hàng ngàn du khách đến mỗi năm”, ông Nguyễn Văn Bay nói.