Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại hội trường và trực tuyến.
Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến nhấn mạnh, trước yêu cầu sự phát triển, Hạ Long đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, thành phố “kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình; thành phố của đổi mới, sáng tạo; thành phố của di sản, của hoa và lễ hội” dựa trên 4 trụ cột: Du lịch - dịch vụ; công nghiệp; nông nghiệp; văn hóa và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp. Hội thảo là bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, một nhân tố quan trọng để thành phố cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại hội thảo, các chuyên gia giáo dục phân tích, làm rõ yếu tố tác động đến sự phát triển của giáo dục Hạ Long, nhất là nguyên nhân tồn tại, hạn chế cần khắc phục; chia sẻ, tham vấn ý kiến, ý tưởng, kinh nghiệm trong quản lý giáo dục, đào tạo đặc biệt là ý kiến của chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội về giải pháp phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới... Đồng thời, thảo luận, đề xuất cơ chế, chính sách, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể hóa và triển khai Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chỉ thị số 38 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Tiến sỹ Tôn Quang Cường và đại biểu Kim Mạnh Tuấn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số, công nghệ số trong quản lý, tổ chức đào tạo, giảng dạy thúc đẩy phát triển giáo dục thành phố Hạ Long. Trong đó nhấn mạnh, việc áp dụng các công nghệ hội tụ và mới nổi như internet vạn vật (Internet of Things - IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và Blockchain trong quản lý giáo dục không chỉ góp phần tối ưu hóa quy trình quản lý mà còn tạo điều kiện cá nhân hóa việc học tập, nâng cao hiệu quả giảng dạy. Những công nghệ này giúp tăng cường khả năng tương tác, sự kết nối giữa các bên tham gia trong hệ sinh thái giáo dục gồm học sinh, giáo viên, nhà quản lý, cha mẹ học sinh và các bên liên quan.
Từ những lợi ích được chứng minh, có thể nhận định rằng, xây dựng và phát triển một hệ sinh thái giáo dục số tại thành phố Hạ Long là hướng đi đúng đắn và cần thiết. Đây không chỉ là giải pháp tối ưu trong ngắn hạn mà còn là bước chuẩn bị cho một nền giáo dục tương lai, hiện đại và bền vững. Hệ sinh thái này sẽ là nền tảng vững chắc giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Hữu Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam, trong đó có Hạ Long (Quảng Ninh) cần phát triển theo xu thế tích hợp - giáo dục đổi mới sáng tạo xanh. Đó vừa là mục tiêu, đồng thời là phương thức để giáo dục đào tạo thực hiện được sứ mệnh trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất, để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền giáo dục hiện đại và trở thành điểm sáng giáo dục trong kỷ nguyên mới, ngành giáo dục Hạ Long cần tiếp tục thúc đẩy các giải pháp toàn diện. Đó là điều chỉnh quy hoạch trường học theo hướng hiện đại, phù hợp sự phát triển của thành phố; mở rộng kết nối các trường đại học uy tín trong, ngoài nước; nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh đổi mới quản trị giáo dục thích ứng linh hoạt với chuyển đổi số. Hạ Long cần thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách và người dân khó khăn, tạo cơ hội học tập công bằng cho mọi người...
Tính đến hết tháng 6/2024, tại Hạ Long có 69 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 14 trường so với năm 2020, dự kiến hết năm 2024 có 88/117 trường đạt chuẩn, đạt 75,2%), 94,6% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo.