Huyện biên giới Mường Tè có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh Lai Châu hiện nay, với hơn 177.058ha; trong đó: rừng tự nhiên hơn 176.800ha, còn lại là rừng trồng, rừng sản xuất. Chủ tịch UBND huyện Mường Tè Đao Văn Khánh cho hay, là huyện trọng điểm về phát triển rừng, hiện nay tỷ lệ che phủ rừng của huyện rất lớn, hơn 66%. Vì vậy, huyện tập trung chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã triển khai việc khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh diện tích rừng hiện có; đặc biệt là tiến hành thực hiện trồng rừng hàng năm.
Bên cạnh đó, huyện Mường Tè chú trọng xây dựng đội ngũ kiểm lâm viên, cán bộ cơ sở, các tổ đội tích cực tuyên truyền vận động nhân dân giữ rừng để hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng; thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, hạn chế tối đa các vụ cháy rừng, xâm phạm vào rừng. Từ đó, bổ sung nguồn lực cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg, ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều văn bản quan trọng triển khai quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh như Công văn số 1179/UBND-KTN ngày 06/5/2021 về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam và Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”...
Tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung đề án; chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện, tập trung trồng rừng theo khung thời vụ. Quan tâm phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, cụ thể hóa mục tiêu của đề án là “bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước”.
Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2021-2023, tỉnh Lai Châu đã trồng được 26.367.280 cây, bao gồm trồng rừng tập trung trên 8.886ha; cây phân tán 677.400 cây với tổng số nguồn vốn huy động từ ngân sách Nhà nước, xã hội hóa, nguồn lồng ghép khác hơn 328 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh Lai Châu sẽ trồng 4.120ha rừng tập trung (tương đương 10.126.000 cây); 78.230 cây xanh phân tán tại đô thị và khu vực nông thôn. Tính đến hết tháng 5, trên địa bàn tỉnh đã gieo ươm 6.951.140 cây quế và cây lâm nghiệp khác; phát dọn thực bì 811 ha; trồng hàng chục nghìn cây xanh phân tán.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, các cấp ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường chăm sóc, bảo vệ, quản lý giám sát cây trồng, rừng trồng bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên Lê Thanh Huy cho biết: Từ năm 2021 đến nay, huyện đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ, các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển rừng bền vững tới nhân dân được gần 200 buổi, thu hút hơn 19.000 lượt người nghe; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh 1.156 lượt phát; ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng giữa bản với 4.345 hộ gia đình, cá nhân.
Hàng năm, Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Lai Châu thường xuyên thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô. Chủ động theo dõi, cập nhật thông tin trên Hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến của Cục Kiểm lâm; chỉ đạo các huyện: Than Uyên, Tam Đường, Tân Uyên tiếp tục duy trì 26 chốt canh gác tạm thời và 17 chốt gác kiên cố tại 7 cửa rừng để kiểm soát người ra, vào rừng, phát hiện kịp thời lửa rừng.
Tỉnh chú trọng làm tốt chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng, hộ dân, đồng thời xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trên địa bàn tỉnh cùng chăm sóc, bảo vệ cây xanh, rừng trồng. Năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện thành phố, các chủ rừng, UBND cấp xã triển khai thực hiện xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng là gần 451.480 ha với tổng số tiền chi trả hơn 383 tỷ đồng (Tổng chi lũy kế kế hoạch năm 2023 hơn 428 tỷ đồng).
Anh Lò A Cấu (bản Pa Mu, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn) phấn khởi cho biết: Mỗi năm gia đình anh và các hộ trong bản được nhận hơn 30 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Từ số tiền này, gia đình anh đầu tư chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế. Các hộ dân trong bản có thêm động lực, tích cực tham gia trồng quế; thường xuyên cùng cán bộ kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng, không đốt nương rẫy nên nhiều năm nay, trong bản chưa xảy ra vụ cháy nào, rừng lên xanh tốt.
Với việc các cấp ngành, địa phương, nhân dân trong tỉnh đã và đang nỗ lực trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý và phát triển cây xanh, rừng trồng để thực hiện có hiệu quả Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh”, cùng lan tỏa thông điệp yêu thương “Vì một Việt Nam xanh”, đến nay, tỉnh Lai Châu có tổng diện tích rừng trên 472.676ha, tỷ lệ che phủ đạt 54%. Qua đó, góp phần tạo nên diện mạo tươi đẹp, đầy sức sống cho các bản làng; những ngọn đồi, núi trọc dần được phủ kín bằng màu xanh của rừng.