Thời gian qua, tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã phát huy sức trẻ, xung kích, đi đầu trên các mặt trận, vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, vừa đồng hành giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo... Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và điển hình tiêu biểu, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và các hoạt động an sinh-xã hội. Đặc biệt, công trình “Ánh sáng vùng biên” là một trong những cách làm sáng tạo của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình giúp người dân vùng biên giới nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Bản Dốc Mây, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, nằm giáp biên giới hai nước Việt Nam - Lào, là bản xa xôi, hẻo lánh và biệt lập với bên ngoài. Đây là nơi sinh sống của 22 hộ dân với 99 khẩu; 100% hộ dân là người đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, đều là hộ nghèo. Nằm xa trung tâm, không có đường vào bản nên điều kiện kinh tế, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, bản Dốc Mây chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt. Chia sẻ và thấu hiểu những khó khăn của bà con vùng biên giới bản Dốc Mây (xã Trường Sơn), Đồn Biên phòng Làng Mô, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, đã lên kế hoạch triển khai công trình “Ánh sáng vùng biên” về với bản Dốc Mây.
Đại úy Trần Thanh Nam, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Làng Mô, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết: Từ ngày 4/10/2022, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với Đoàn xã Trường Sơn và bà con nhân dân tổ chức khảo sát, triển khai xây dựng công trình chiếu sáng toàn bộ các trục đường trong bản. Để đến được với bản Dốc Mây, cán bộ, chiến sỹ đơn vị phải đi hơn 20 km đường rừng, đi qua các đường mòn nhỏ, lội qua nhiều khe suối và dốc đá cheo leo. Tuy nhiên, đơn vị vẫn xây dựng công trình đúng tiến độ, thời gian, đảm bảo chất lượng khi trao tặng bà con nơi bản làng biên giới.
Vượt qua những khó khăn của địa hình, thời tiết, với sự hỗ trợ góp sức của bà con dân bản và sự quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Mô, 20 cột đèn sử dụng năng lượng mặt trời với chiều dài 700 m đã được lắp đặt và hoàn thành bàn giao cho bản Dốc Mây. Nguồn kinh phí công trình ý nghĩa này do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình tài trợ với tổng trị giá 50 triệu đồng.
Anh Hồ Thua, Bí thư Chi bộ Bản Dốc Mây (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) chia sẻ: Được các nhà hảo tâm, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình và các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Mô hỗ trợ xây dựng đường điện thắp sáng trong bản, bà con rất vui và phấn khởi. Đây là công trình có ý nghĩa thiết thực nhằm bảo đảm tốt an ninh trật tự trong bản, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, đặc biệt là đối với bản nằm biệt lập, cách xa trung tâm như bản Dốc Mây.
Thượng tá Lê Đình Huân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Mô, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết: Thời gian qua, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp triển khai xây dựng được 16 công trình “Ánh sáng vùng biên” có chiều dài 16,2 km, tổng trị giá 815 triệu đồng, tặng bà con các thôn, bản trên địa bàn đơn vị phụ trách, qua đó tiếp tục khẳng định tình cảm quân-dân gắn bó tại địa bàn khu vực biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Thời gian tới, đơn vị sẽ tích cực đồng hành, hỗ trợ, triển khai xây dựng các công trình dân sinh và mô hình giúp dân trên địa bàn.
Theo Thượng úy Võ Huy Thắng, Trợ lý Công tác Quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình: Năm 2019, xuất phát từ thực tiễn công tác và qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, Đồn Biên phòng Cà Xèng và Đoàn Thanh niên của Đồn đã chủ động báo cáo, phối hợp với Đoàn Thanh niên địa phương tiến hành khảo sát, kêu gọi nguồn lực xây dựng công trình điện chiếu sáng tại trục đường của bản Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa.
Công trình được triển khai xây dựng với tổng chiều dài 2,5 km, sử dụng 40 cột/bóng đèn điện lưới với kinh phí đầu tư trên 31 triệu đồng. Sau khi công trình làm điểm tại bản Mò O Ồ Ồ hoàn thành, đưa vào sử dụng, đã được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao; người dân phấn khởi, đồng tình, ủng hộ, mong muốn được nhân rộng, lan tỏa ý nghĩa nhân văn và hiệu quả của công trình. Đây cũng là mô hình đóng góp có hiệu quả trong phong trào “Tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng chung tay xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh.
Thượng úy Võ Huy Thắng nêu rõ: Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Ánh sáng vùng biên”, Đoàn Thanh niên Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chủ động tham mưu Bộ Chỉ huy giao Phòng Chính trị chủ trì, phối hợp với Phòng Hậu cần là hai cơ quan trực tiếp tham mưu, hướng dẫn, triển khai thực hiện; tiến hành rà soát, lựa chọn, thành lập 2 tổ kỹ thuật, lấy lực lượng đoàn viên thanh niên có kinh nghiệm, tay nghề về gò, hàn, kỹ thuật điện làm nòng cốt để triển khai xây dựng các công trình theo kế hoạch. Phát huy tinh thần, trách nhiệm, sự tâm huyết, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện, đến nay Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã triển khai xây dựng, khánh thành và bàn giao 96 công trình “Ánh sáng vùng biên” với tổng chiều dài đường điện hơn 90 km, kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng; có sự đóng góp hơn 4.000 ngày công lao động của cán bộ, đoàn viên thanh niên đơn vị. Công trình đã được “phủ sóng” tại hơn 94 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 28 xã, phường ở khu vực biên giới, vùng biển của tỉnh Quảng Bình.
Trợ lý Công tác Quần chúng, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, Thượng úy Võ Huy Thắng nhấn mạnh: Cùng với những chương trình, mô hình, việc làm mà tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai (như mô hình trồng lúa nước, trồng cây mắc ca, trồng dứa...; chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Tay kéo Biên phòng”...) thì mô hình “Ánh sáng vùng biên” chính là hình ảnh sinh động, minh chứng cho tình đoàn kết quân- dân, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên thanh niên Bộ đội Biên phòng Quảng Bình với nhân dân, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, vùng biển. Qua đó, hình ảnh người chiến sỹ “quân hàm xanh” càng trở nên gần gũi, gắn bó, được nhân dân tin yêu, quý mến; được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp ghi nhận, đánh giá cao.