Bình Thuận: Chấn chỉnh công tác quản lý khai thác khoáng sản

Từ đầu năm đến nay, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường diễn ra nhiều nơi của tỉnh Bình Thuận, nhất là từ tháng 4/2021 đến nay xuất hiện nhiều điểm khai thác trái phép tại các huyện: Hàm Tân, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, La Gi, Đức Linh. Đây là thông tin báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận tại hội nghị báo cáo công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản được UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức ngày 22/6.

Chú thích ảnh
Hiện trường một vụ khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh (tư liệu): Văn Tý/TTXVN

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, ngoài các điểm phát sinh mới, tình trạng khai thác khoáng sản vật liệu trái phép vẫn tiếp tục tái diễn ở các điểm đã được các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý nhưng chưa được xử lý dứt điểm như: hu vực xã Tân Xuân và Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân; khu vực lòng hồ Biển Lạc giáp ranh giữa huyện Tánh Linh và huyện Đức Linh…

Trước tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra các vị trí khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý từng trường hợp cụ thể. Trong 6 tháng qua, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 19 quyết định và Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền phạt là 2,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo chuyển Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh điều tra 2 vụ với 2 đối tượng có hành vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Các địa phương đã phát hiện và xử lý, xử phạt 182 vụ khai thác trái phép khoáng sản vật liệu xây dựng với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng...

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, các ngành tập trung thảo luận về thực trạng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh các trường hợp vi phạm; đồng thời đề xuất các kiến nghị, biện pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp quyết liệt, đồng bộ xử lý dứt điểm tình trạng khai thác trái phép. Trong đó tập trung xử lý tại các điểm đã được lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra, xử lý, không để tái diễn. Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác khoáng sản thông thường để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Các huyện, thị xã thành phố thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ, quản lý nguồn khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Nếu trên địa bàn nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, có cán bộ dưới quyền tiêu cực thì phải tổ chức kiểm điểm người đứng đầu theo quy định.

Các địa phương xem xét xử lý hình sự các trường hợp manh động, vi phạm nhiều lần để tăng tính răn đe; rà soát và nắm cụ thể các khu vực, “điểm nóng” trên địa bàn, nhất là các vị trí khai thác, tập kết vật liệu xây dựng trái phép. Trên cơ sở đó, các địa phương lập danh sách các đối tượng và mở đợt cao điểm đấu tranh, xử lý, xóa bỏ “điểm nóng”.

 

Hồng Hiếu (TTXVN)
Xử phạt 9 trường hợp điều khiển phương tiện vận chuyển khoáng sản trái phép
Xử phạt 9 trường hợp điều khiển phương tiện vận chuyển khoáng sản trái phép

Ngày 2/6, Đồn Biên phòng Kiểng Phước (Bộ đội Biên phòng Tiền Giang) ra quyết định xử phạt hành chính 9 trường hợp điều khiển phương tiện vận chuyển khoáng sản trái phép trên vùng biển giáp ranh giữa tỉnh Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền gần 160 triệu đồng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN