Phát biểu tại Hội thảo về Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050, ngày 9/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định, cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp với tư duy luôn đổi mới đã nhận thức và xác định được tầm quan trọng và vai trò của Quy hoạch tỉnh, làm kim chỉ nam dẫn hướng cho một thập kỷ phát triển tới và xa hơn nữa, nhằm mục tiêu phát triển bứt phá thành tỉnh có thu nhập cao dựa trên triết lý xây dựng môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả; xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững; chính quyền địa phương năng động và kiến tạo.
Theo mục tiêu quy hoạch của tỉnh Bình Dương đưa ra lộ trình phát triển bứt phá hoàn thành mục tiêu vượt qua bẫy thu nhập trung bình với chỉ dấu quan trọng là tăng mức thu nhập bình quân đầu người từ 7.665 USD/người/năm năm 2021 lên tối thiểu 12.000 USD/người/năm trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Qua đó, tỉnh Bình Dương ưu tiên các chương trình hành động có ưu tiên gồm: xây dựng trung tâm xuất sắc ngành dọc, nhằm tạo việc làm có hàm lượng chất xám cao, thu hút nhân lực, đối tác..; xây dựng chiến lược chuyển đổi số, tập trung vào sản xuất thông minh và công nghiệp 4.0; phát triển hợp tác quốc tế, thương mại điện tử, kinh tế số, dịch vụ công nghiệp, tài chính ngân hàng; xây dựng hợp tác công - tư, tập trung thu hút và huy động các công ty “chủ công”, xây dựng văn hóa đồi mới sáng tạo, xây dựng con người năng động; áp dụng mô hình TOD – Quy hoạch đô thị gắn liền với giao thông công cộng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, phát triển loại hình giao thông mới…
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, tỉnh Bình Dương phải thống nhất hành động về tầm nhìn, không dừng lại công nghiệp hóa "cổ điển" mà nên đua tranh phát triển mới theo hướng thông minh mang tính "đặc sắc" Bình Dương đang làm. Theo đó, để tiếp tục phát triển Bình Dương dựa vào 3 trụ cốt chính gồm: ưu tiên đầu tư cho hạ tầng, chuyển đổi mô hình cơ cấu kinh tế khoa học - cộng nghệ và thông minh; đồng thời, duy trì thế mạnh sẵn có, mở rộng cạnh tranh quốc tế để vượt lên nhanh hơn nữa.
Ông Trần Đình Thiên cho hay, để vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn mới, Bình Dương phải ưu tiên hạ tầng chuyển đổi số; đồng thời, vượt trước trong việc xây dựng các nền tảng liên kết hiện đại – đó là liên kết “số”. Xây dựng cơ sở dữ liệu “lớn”, hệ thống mạng liên kết, vận hành hệ thống quản trị thông minh, Trung tâm đổi mới – sáng tạo kiểu Thung lũng Silicon, v.v. là những nhiệm vụ mang tính đột phá, cần được ưu tiên hàng đầu. “Do đó, đô thị thông minh không phải là điều hành, mà đổi mới sáng tạo, xây dựng đô thị sáng tạo thông qua đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực để chuyển đổi kinh tế xanh”, ông Thiên góp ý.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho biết sau 27 năm phát triển nhanh về công nghiệp, đô thị hóa, hiện Bình Dương đang bị hạn hẹp về không gian phát triển. Đây là “ điểm nghẽn” cần đưa vào chiến lược tháo gỡ bằng những dự án kết nối hạ tầng trọng điểm. Theo đó, từ nay đến năm 2030 chỉ còn 6 năm thực hiện, nên tỉnh cần sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án nào cấp bách nhất để tập trung vào thực hiện. Về quy hoạch phải bổ sung quy hoạch “cứng” về khu công nghiệp chuyển đổi ngành nghề mới như sản xuất chip, vi mạch bán dẫn, khu công nghiệp xanh, thông minh để tương xứng với đô thị thông minh.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, tỉnh Bình Dương đặt ra tầm nhìn đầy tham vọng, khát vọng vươn lên nhưng sự năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm là chưa đủ. Bởi một mình tỉnh Bình Dương là chưa được, phải cần thể chế, tính kết nối vùng và cần sự chia sẻ của vùng động lực Đông Nam bộ, thậm chí cả Trung ương hỗ trợ mới tạo được “ đột phá” để tỉnh vượt lên trước, về đích trước nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Becamex, ông Nguyễn Văn Hùng, cho biết quy hoạch tỉnh Bình Dương trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 đúng với xu hướng mới thích ứng toàn cầu. Bình Dương không cảng biển, không sân bay, nhưng tỉnh đã nỗ lực rất lớn để tạo dựng được nền tảng vững chắc như ngày hôm nay về hạ tầng giao thông, hệ thống khu công nghiệp, hệ sinh thái nhà máy, doanh nghiệp và phát triển đô thị hóa… đáp ứng cho nhu cầu phát triển cao. Các bước tiến trong giai đoạn vừa qua đã được quy hoạch căn bản, tạo tiền đề cho giai đoạn quy hoạch tầm nhìn lớn hơn, chuyển đổi mạnh mẽ hơn về thực hiện chiến lược xây dựng mô hình đột phá phát triển công nghiệp – đô thị - dịch vụ gắn với xu hướng thông minh, sáng tạo và bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hùng tỉnh cần tính toán chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo như: ưu tiên khoa học - công nghệ, chuyển khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp xanh, xây dựng hệ sinh thái mới đa dạng và phù hợp quốc tế. Qua đó, tìm mạch tốt nhất, tạo cơ sở phát triển tiếp theo của tỉnh để vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình.
Mặc dù, vị thế của Bình Dương trong vùng và quốc gia ngày càng được nâng cao, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước nhưng Bình Dương đang và sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức, trở thành nút thắt cản trở tốc độ và chất lượng phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt bẫy thu nhập trung bình; khoảng cách lớn giữa công nghiệp và dịch vụ; cơ sở hạ tầng quá tải; nền công nghiệp thâm dụng tài nguyên, lao động và năng lượng; sự cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày một gay gắt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thiếu ổn định; một số giá trị văn hóa truyền thống bị lãng quên trong quá trình công nghiệp hóa; chưa xây dựng được thương hiệu và định hình rõ sản phẩm công nghiệp chủ lực…
Các báo cáo cho thấy, Bình Dương đang đứng trước các thách thức của bẫy thu nhập trung bình như: dấu hiệu tăng trưởng kinh tế đang chững lại do sức hút về nguồn cung lao động đang giảm. Cụ thể, nếu như giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ đóng góp từ gia tăng cung lao động chiếm bình quân 46,9% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, đến giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ này đã tăng lên đến 53,2%. Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế từ nội lực của nền kinh tế tỉnh gần như không thay đổi trong giai đoạn này. Riêng năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 5,97%.
Nền kinh tế Bình Dương đang bộc lộ các thách thức đó là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giảm thể hiện từ dấu hiệu giảm dần về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư khi nền kinh tế tỉnh Bình Dương cần nhiều vốn đầu tư hơn để tạo ra một đơn vị giá trị gia tăng trong những năm gần đây. Kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi khu vực này tiếp tục là chỗ dựa quan trọng nhất đối với phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI trong khi sự tham gia liên kết của khu vực nội địa yếu nền kinh tế sẽ không được hưởng lợi nhiều từ khu vực này qua việc chủ yếu nhận gia công mà ít nhận được sự lan tỏa về công nghệ, kỹ năng quản lý, kỹ năng làm việc từ khu vực đầu tư nước ngoài...
Tuy nhiên, với những thành quả 27 năm qua đã tạo ra tiền đề quan trọng giúp Bình Dương xây dựng một bản quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050 có chất lượng, nhằm khắc phục được những tồn tại của quá trình phát triển và khơi thông nguồn lực, tạo động lực tổng thể đưa Bình Dương phát triển trong thời kỳ mới.