Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết, các điểm ngập trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng lên do quá trình đô thị hóa nhanh. Năm 2022, toàn tỉnh có 64 điểm ngập, đến năm 2023 phát sinh thêm 15 điểm. Qua xử lý, một số điểm ngập đã được giải quyết về cơ bản, nhưng toàn tỉnh vẫn còn 74 điểm ngập do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn trong nguồn vốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch giải quyết các điểm ngập; trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để tập trung xử lý các điểm ngập úng cục bộ, giảm tác động đến sản xuất, đời sống của nhân dân.
Bức xúc nhất hiện nay là các điểm ngập nặng khu vực ngã ba Cống trên đường Thích Quảng Đức và khu vực ngập ở Suối Giữa đoạn qua đường Hồ Văn Cống, thành phố Thủ Dầu Một. Tiếp đến là các điểm ngập cục bộ trên Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn thành phố Thuận An, gây đảo lộn cuộc sống, sản xuất của các doanh nghiệp.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các địa phương bố trí lực lượng ứng trực để kịp thời xử lý, hạn chế tối đa các sự cố, gây thiệt hại tài sản, tính mạng của người dân; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt xả rác xuống kênh, rạch, hệ thống cống thoát nước làm hạn chế việc tiêu thoát nước.
Như TTXVN đưa tin, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương đã báo cáo tình hình ảnh hưởng, thiệt hại do mưa, triều cường cao trên sông Sài Gòn trong những ngày qua làm ngập nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, gây đảo lộn cuộc sống.
Cụ thể, mưa lớn vào chiều tối 15/10, cùng thời điểm triều cường lên, nước không rút kịp nên gây ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, như: Ngô Quyền, Lê Hồng Phong, Thích Quảng Đức, Phạm Ngũ Lão… Mực nước ngập hơn 0,7m khiến nhiều phương tiện chết máy, nước tràn vào nhiều nhà dân. Mưa lớn còn làm sập 15m tường rào (cao 3m) trường Sĩ quan Công binh; sập 15m tường rào Công viên nước Thanh Lễ.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là thành phố Thuận An. Mưa lớn kết hợp triều cường đã khiến nước tràn qua bờ rạch 1.820m gây ngập sâu 1m, diện tích ngập 175 ha, với trên 670 hộ dân bị ngập sâu, ảnh hưởng đến tài sản và sinh hoạt của người dân.
Đặc biệt, mưa lớn lũ đã cuốn trôi 2 cây cầu dân sinh ở phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An gây khó khăn cho giao thông. Hai cầu làm bằng thép, bề rộng 1,6m, 3 nhịp, mỗi nhịp dài 15m. Ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương đã giăng dây cảnh báo nguy hiểm, lập hàng rào chặn 2 bên đầu cầu, hướng dẫn người dân chuyển đường đi khác. Chính quyền đang khẩn trương khắc phục về thiệt hại.