Bến Tre không để dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng

Tỉnh Bến Tre đang khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Mỏ Cày Nam nhằm nhanh chóng khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre thống nhất chủ trương tạm thời chưa công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, như đề xuất của Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với đó, tỉnh yêu cầu ngành chức năng tỉnh tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính đối với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam và có hỗ trợ theo quy định.

Đối với những ô chuồng có lợn khỏe mạnh, có kết quả âm tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi, được phép giết mổ hoặc tiếp tục để nuôi trên địa bàn cấp tỉnh dưới sự giám sát của thú y địa phương.

Ngoài ra, tỉnh cấp 10.067 lít hóa chất để ngành nông nghiệp tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cho các xã có dịch, xã bị dịch uy hiếp và xã thuộc vùng đệm của huyện Mỏ Cày Nam; trong  đó có 8.993 lít từ nguồn dự trữ chống dịch và 1.074 lít từ nguồn phòng dịch năm 2021.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre, việc tổ chức tiêu độc, khử trùng được thực hiện với tần suất 1 lần/ngày tại xã  Cẩm Sơn và các xã vùng bị dịch uy hiếp (Thành Thới A, Hương Mỹ, Tân Trung, Ngãi Đăng và Minh Đức, huyện  Mỏ  Cày Nam) liên  tục trong tuần đầu  tiên; 3 lần/tuần  trong  2  tuần  tiếp  theo. Riêng vùng đệm gồm các xã An Thới, An Định, Bình Khánh, Thành Thới B, An Thạnh và Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam thực hiện việc tiêu độc khử trùng1 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát dịch bệnh; điều tra truy xuất nguyên nhân phát sinh bệnh. Mặt khác, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, kiểm soát giết mổ để kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh nhanh, gọn trên phạm vi hẹp (nếu có).

Theo UBND tỉnh Bến Tre, đến nay tỉnh ghi nhận 203 con lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi của một  hộ dân ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, với tổng số lợn chết và tiêu hủy là 158 con, trọng lượng tiêu hủy 7.171 kg.

Tỉnh Bến Tre, có đàn lợn nhiều nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 415.000 con. Do đó, địa phương đang chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng trong phòng bệnh; tuyên truyền cho người dân nắm rõ các yếu tố tác nhân, hạn chế tối đa các yếu tố trung gian.

Tỉnh quản lý chặt tình trạng buôn bán, giết mổ, vận chuyển, sản phẩm lợn trái phép. Đồng thời, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh và vận động các hộ nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Công Trí (TTXVN)
Xuất hiện 5 ổ dịch tả lợn châu Phi ở Châu Thành, Kiên Giang
Xuất hiện 5 ổ dịch tả lợn châu Phi ở Châu Thành, Kiên Giang

Theo ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 5 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi ở huyện Châu Thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN