Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại 216 điểm cầu ở các huyện, thành phố, đơn vị trong tỉnh với hơn 17 nghìn đại biểu. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo chuyên đề "Chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay".
Trong đó nhấn mạnh các nội dung như: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước; phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là động lực cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; phát triển công nghiệp văn hóa, hoàn thiện thị trường văn hóa và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, con người và gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng môi trường văn hóa số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ gắn với xây dựng thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Đảng về đạo đức.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc phù hợp với thực tế, yêu cầu phát triển của địa phương.
Trong đó, các đơn vị tiếp tục xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; đầu tư cho văn hóa là đầu tư phát triển; đặt phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế. Các đơn vị gắn kết chặt chẽ việc xây dựng, phát triển văn hóa với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Các ngành, địa phương quan tâm xây dựng đời sống văn hóa theo hướng tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội; quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV), sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Tuyên Quang đã có chuyển biến tích cực. Tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện, xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa. Đến năm 2023, toàn tỉnh có 7 thiết chế văn hóa cấp tỉnh. Số xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa, thể thao đạt chuẩn đạt 51%; thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt 96%...
Hiện, toàn tỉnh có 660 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có 3 khu di tích và danh thắng quốc gia đặc biệt, 182 di tích quốc gia, 270 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 425 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc; trong đó có 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã tặng Bằng khen cho 23 tập thể và 41 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".