Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tiếp tục là điểm sáng trong tăng trưởng của cả nước, năm 2023 đạt 13,1%, đứng đầu cả nước; ước năm 2024 đạt 14,5%.
Tỉnh Bắc Giang đã chủ động trong việc liên kết, phối hợp với các tỉnh, nhất là các tỉnh giáp ranh, trong phát triển, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; đồng thời, hỗ trợ nhau trong giải quyết các vấn đề có tính liên vùng.
Các hoạt động liên kết vùng được thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh đã ký kết như: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn; ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận hợp tác hữu nghị giữa UBND tỉnh Bắc Giang và Chính quyền tỉnh Chungcheongnam (Hàn Quốc) giai đoạn 2024-2025…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 14 khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch xây dựng; 6 khu công nghiệp đang lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng và Khu công nghiệp Ngọc Lý đang lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng.
Trong 9 tháng năm 2024, có 2 khu công nghiệp mới (Khu công nghiệp Phúc Sơn; Khu công nghiệp Châu Minh – Bắc Lý – Hương Lâm) và 2 khu công nghiệp mở rộng (Khu công nghiệp Việt – Hàn mở rộng và Khu công nghiệp Yên Lư mở rộng) được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số khu công nghiệp của tỉnh đã được thành lập là 10 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch là 2.474,8 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 63,97%; còn 13 khu công nghiệp đang trình hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đến hết ngày 30/9/2024, toàn tỉnh đã thu hút đạt trên 1,7 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi. Tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 9 cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh 9 tháng năm 2024 tăng 27,69% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp giá thực tế đạt gần 500.000 tỷ đồng, tăng 28,5% so cùng kỳ; trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 438.000 tỷ đồng, tăng 30,5%.
Nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá như các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải và các doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo. Đặc biệt, có nhiều dự án, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng đi vào sản xuất như: Công ty Luxshare Vân Trung (doanh thu cộng dồn 9 tháng năm 2024 ước đạt 59.830 tỷ, tăng 22,5% so cùng kỳ); Công ty Fukang (doanh thu cộng dồn 9 tháng ước đạt 67.805 tỷ đồng, tăng 4,6 lần cùng kỳ); Công ty Hana Micron (doanh thu cộng dồn 9 tháng ước đạt 6.164 tỷ đồng, tăng 61,26% so cùng kỳ)…
Theo đại diện UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2025, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tạo đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng.
Theo đó, Bắc Giang quan tâm đẩy nhanh tiến độ thành lập, đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư, gắn kết khu công nghiệp với khu đô thị, dịch vụ có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp.
Tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/07/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030; thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, trong đó ưu tiên thu hút FDI (vốn đầu tư nước ngoài) theo hướng bền vững với quan điểm “1 không, 2 ít, 3 cao” (không ô nhiễm, sử dụng ít đất, ít lao động, công nghệ cao, suất vốn cao, hiệu quả kinh tế cao) và “5 sẵn sàng” (mặt bằng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, chống dịch hiệu quả) để hướng tới mô hình “Hệ sinh thái công nghiệp”.
Tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững, đẩy nhanh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử để tạo động lực phát triển mới.
Tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, trọng tâm thúc đẩy triển khai các dự án lớn, trọng điểm, tạo sự chuyển dịch ngành dịch vụ theo hướng tận dụng lợi thế về vị trí địa lý như dịch vụ tổng hợp logistics, cảng cạn (ICD), vui chơi, giải trí, thể thao golf...
Cùng với việc tiếp tục duy trì và phát triển 4 sản phẩm du lịch chính, tập trung quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng 3 khu du lịch có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh và trở thành khu du lịch quốc gia, Bắc Giang còn chú trọng phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế số, thương mại điện tử...