An Giang thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công

Ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, do thời gian còn lại của niên độ giải ngân chỉ còn hơn 1 tháng nên tỉnh đã yêu cầu cả hệ thống chính trị nhập cuộc.

Chú thích ảnh
An Giang quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công để về đích đúng hạn.

Từ nay đến cuối tháng 1/2021 phải họp giao ban hằng tuần, kiểm tra, bám sát nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của từng đơn vị, địa phương; quy trách nhiệm nếu chậm trễ trong giải ngân; xử lý kịp thời hành vi, cơ quan tổ chức, cá nhân gây cản trở, chậm trễ giải ngân đầu tư công; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân.

Cùng với việc đôn đốc các nhà thầu bố trí đầy đủ nhân công, vật tư, máy móc thiết bị, khuyến khích làm thêm giờ để đẩy nhanh tiến độ thi công, tại các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020 phải tập trung hoàn thành hạng mục công trình, nghiệm thu và thanh quyết toán, không để dồn lại cuối năm.

Đối với các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2020, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng để đủ điều kiện thanh toán cho nhà thầu. Với dự án khởi công mới, khẩn trương lập hồ sơ thiết kế và dự toán, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu để sớm triển khai thi công.

Năm 2020 là năm cuối kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, áp lực giải ngân vốn rất lớn, nếu giải ngân đạt kết hoạch được giao thì sẽ tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn tiếp theo 2021 – 2025.

Ngay từ đầu năm, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy và tạo chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư năm 2020 trên địa bàn. 

Đại dịch COVID-19 khiến các chỉ tiêu kinh tế của địa phương sụt giảm ở tất cả các khu vực. Tuy nhiên, nếu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.

Chú thích ảnh
An Giang đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư năm 2020 trên địa bàn. 

Tính đến cuối tháng 11/2020, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của An Giang vẫn thấp so với kỳ vọng, chỉ đạt khoảng 3.750 tỷ đồng, bằng 77,66% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 66,35% kế hoạch HÐND tỉnh giao; trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân được hơn 2.710 tỷ đồng, đạt 67,63% kế hoạch và vốn ngân sách Trung ương giải ngân trên 1.000 tỷ đồng, tương đương 63,22% kế hoạch.

Trong tổng số 58 chủ đầu tư có sử dụng kế hoạch vốn năm 2020 bao gồm kế hoạch vốn năm 2018, 2019 kéo dài sang năm 2020 có 34 chủ đầu tư giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh 66,68% gồm: 26 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 8 huyện, thị, thành; 24 chủ đầu tư giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh gồm 21 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 3 huyện. 

Theo UBND tỉnh An Giang, giá trị giải ngân chậm do một số tồn tại, hạn chế trong việc khai thực hiện các dự án chưa được khắc phục triệt để, kéo dài. 

Cụ thể, về thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, thi công, hồ sơ thanh toán vốn chậm; giải phóng mặt bằng chưa phối hợp chặt chẽ và hiệu quả; lập kế hoạch vốn chưa sát với nhu cầu thực tế. Đặc biệt, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi phải kéo dài thời gian thực hiện, số vốn chưa giải ngân lớn, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chung của toàn tỉnh.

Ước tính, năm 2020, giá trị giải ngân của An Giang đạt khoảng 4.200 tỷ đồng, bằng 87,04% theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 74,36% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Phải đến cuối tháng 1/2021, giá trị giải ngân mới tăng lên thành hơn 5.000 tỷ đồng, đạt 105,36% kế hoạch Chính phủ giao và 90,01% kế hoạch HĐND tỉnh giao. 

Hiện thời điểm niên độ giải ngân các kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 đã gần kết thúc, trong khi số kế hoạch vốn chưa được giải ngân của An Giang còn lại vẫn tương đối lớn, khoảng 2.200 tỷ đồng. 
Ông Võ Chí Trung - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, Sở đang đề nghị các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công và các đơn vị có liên quan nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, chủ động theo dõi, tập trung đôn đốc việc thực hiện, giải ngân dự án. 

Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân thì kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; không xét thi đua khen thưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với người đứng đầu, chủ đầu tư và cá nhân liên quan nếu không có lý do chính đáng, thuyết phục - ông Trung chia sẻ.

UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo của 24 chủ đầu tư giải ngân thấp hơn bình quân chung của địa phương chấn chỉnh, rà soát, có giải pháp cụ thể để khắc phục, xử lý ngay những vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tốc độ trong thời gian còn lại; đặc biệt là các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%.

Đối với các chủ đầu tư xây dựng, UBND tỉnh cũng yêu cầu rà soát, xác định rõ những tồn tại, yếu kém từng khâu từ quản lý, điều hành đến tổ chức thực hiện của từng dự án, công trình để xây dựng tiến độ chi tiết từ nay đến hết tháng 1/2021, không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao./.

Thanh Sang
Sớm đưa thị xã vùng biên Tân Châu, An Giang lên thành phố
Sớm đưa thị xã vùng biên Tân Châu, An Giang lên thành phố

Là một trong ba vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh An Giang, thời gian qua, thị xã Tân Châu không ngừng phát triển, trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế biên giới ở miền cực Nam của Tổ quốc. Đầu năm 2020, Tân Châu được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 3 và thị xã đang phấn đấu sớm trở thành thành phố trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN