Xóa nghèo bền vững cho đồng bào Tây Nguyên

Cùng với chính sách phát triển miền núi trong cả nước, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nhằm góp phần từng bước nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Cấp đất để xóa nghèo


Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, với diện tích tự nhiên 54.700 km2. Dân số toàn vùng là trên 5.265.800 người, với 54 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 1.940.289 người, chiếm 36,85%, còn lại là đồng bào Kinh.

Thu hoạch hồ tiêu tại một hộ gia đình ở huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk.
Ảnh: Trần Việt – TTXVN


Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên đã được nâng lên rõ rệt, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Đặc biệt, thực hiện chương trình 132, 134 cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nghèo đã thật sự tạo điều kiện cho đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã giải quyết hơn 30.000 ha đất cho trên 71.470 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất sản xuất, đất ở, trong đó, cấp 29.200 ha đất sản xuất cho 56.000 hộ.


Đắk Lắk là địa phương thực hiện khá tốt các chương trình 132, 134, 1592... Đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 222,1 tỷ đồng để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sửa chữa và làm mới trên 15.535 ngôi nhà ở, 5.531 hộ gia đình được cấp 144,51 ha đất ở, bình quân 260 m2/hộ, trong đó có 1.838 hộ gia đình, với diện tích 36,76 ha được giải quyết đất ở gắn với làm nhà ở. Đắk Lắk cũng đã thu hồi đất của các nông, lâm trường để cấp đất sản xuất cho trên 7.737 hộ gia đình thiếu đất sản xuất, với diện tích trên 2.771,5 ha. Ngoài việc cấp đất sản xuất, tỉnh còn tiến hành mua lại vườn cà phê, điều kinh doanh, với diện tích gần 597 ha để cấp cho 1.937 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ...

 

Vẫn còn không ít khó khăn


Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện tại việc triển khai thực hiện các chương trình của Chính phủ (132, 134, 1592...) tại một số vùng vẫn còn nhiều bất cập. Toàn vùng Tây Nguyên vẫn còn hơn 20.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nghèo, đời sống khó khăn thiếu hoặc không có đất sản xuất. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cơ sở trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách có lúc, có nơi chưa đồng bộ, còn thiếu sót, nhất là cấp cơ sở. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến vấn đề bức xúc này của vùng Tây Nguyên.

Sau gần 12 năm (2002 - 2013) qua chương trình 132, 134... đã giúp cho hàng chục hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại Tây Nguyên có đất để làm nhà ở, để sản xuất. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chỉ riêng năm 2012, toàn vùng đã giảm được 26.325 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15,59% (giảm 3,18% so cùng kỳ), tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 33,26% (giảm 4,76%)...

...Để đồng bào thoát nghèo bền vững


Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các tỉnh Tây Nguyên sớm thực hiện quy hoạch đất đai cho các buôn làng Tây Nguyên gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở tôn trọng cách thức sử dụng đất rừng của buôn làng truyền thống ở Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên cần sớm đánh giá hiệu quả việc quản lý, sử dụng đất của các hộ dân theo các chương trình 132, 134, 1592..., nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý nhà nước của chính quyền đối với các chương trình, chính sách dân tộc và miền núi, trong đó có chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt. Các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai, nhà cửa đã được Nhà nước giao. Khi thực hiện hợp đồng liên kết với các công ty, doanh nghiệp trồng cao su, trồng rừng, các tỉnh Tây Nguyên cần có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn vào làm công nhân. Việc rà soát, thu hồi diện tích đất của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp sử dụng không đúng mục đích, giao lại cho các địa phương quản lý cũng cần tiếp tục triển khai để góp phần giúp đồng bào phát triển sản xuất, từng bước xóa nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.


Quang Huy

Giảm nghèo bền vững, không tái nghèo

Việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Cà Mau đã góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân, hạn chế tình trạng gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, các dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN