Vượt khó, ươm mầm con chữ ở Noh Prông

Nhiều người gọi Noh Prông là “ốc đảo”, bởi nơi đây nằm biệt lập với nhiều vùng của xã Hòa Phong. Để đến được điểm trường Noh Prông, chúng tôi còn phải đi qua chiếc cầu gỗ chông chênh do người dân tự làm, bắc ngang qua sông Krông Ana.


Theo chân cán bộ xã Hòa Phong, chúng tôi tìm đến điểm trường tiểu học Cẩm Phong, Phân hiệu tại thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Đoạn đường từ thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) đến thôn Noh Prông dài 25km, nhưng chúng tôi phải đi xe máy hết hơn một tiếng đồng hồ. Đường vào Noh Prông rất khó đi với những "ổ voi" dày đặc, nhiều đoạn bị xé nát, tạo rãnh lớn, nhão nhoẹt, trơn trượt.

Phòng học tạm cho lớp mẫu giáo tại điểm Trường tiểu học Cẩm Phong.

Nhiều người gọi Noh Prông là “ốc đảo”, bởi nơi đây nằm biệt lập với nhiều vùng của xã Hòa Phong. Để đến được điểm trường Noh Prông, chúng tôi còn phải đi qua chiếc cầu gỗ chông chênh do người dân tự làm, bắc ngang qua sông Krông Ana. Trước đây, mỗi lần mưa to, nước sông dâng cao, cuồn cuộn cuốn trôi cả cầu tạm. Học sinh phải nghỉ học cả tháng trời vì con đường duy nhất nối trung tâm xã với thôn Noh Prông bị lũ cắt đứt.

Thầy Y Thông, giáo viên trường tiểu học Cẩm Phong chia sẻ, năm 2002, khi Trường tiểu học Cẩm Phong thành lập Phân hiệu 4 tại thôn Noh Prông, cơ sở hạ tầng thôn chưa được đầu tư, đường giao thông liên thôn lầy lội khiến nhiều người ngại khi có ý định dạy học ở đây.

Giờ tập đọc của các em học sinh Trường tiểu học Cẩm Phong.

Thầy Y Thông nhớ lại: “Một ngày đầu năm học 2013-2014, trời mưa rất to, tôi và một số giáo viên vẫn đến lớp. Khi đi qua cầu tạm Noh Prông, tôi đã bị ngã, cả người và xe rơi xuống sông. Rất may, lúc đó, tôi được người dân phát hiện kịp thời và cứu vớt”. Khó khăn là vậy, nhưng gần 13 năm qua, thầy Y Thông vẫn đem tình yêu thương và kiến thức truyền dạy cho học trò.

Cô giáo Lưu Thị Vân, người dân tộc Nùng, quê ở xã Ea Vy, huyện Ea H’leo, cách thôn Noh Prông, xã Hòa Phong tới 160 km. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô Vân đã tình nguyện về dạy học ở huyện vùng sâu Krông Bông và đang là giáo viên trẻ nhất tại điểm trường Noh Prông. Cô Vân chia sẻ, do trường không có phòng nội trú cho giáo viên nên cô phải thuê nhà trọ cách xa trường khoảng 20 cây số, mùa mưa đường trơn trượt rất khó khăn mới đến được trường.

Thầy Nguyễn Ngọc Thế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Phong cho biết, điểm trường Noh Prông có 4 phòng học kiên cố, 9 phòng học tạm bằng gỗ, nơi theo học của 726 học sinh đồng bào Mông. Từ khi có điểm trường ở Noh Prông, các thầy, cô giáo đến từng gia đình đồng bào Mông vận động con em họ đến trường.

Điều mà các thầy, cô giáo ở đây mong mỏi nhất giờ đây là chính quyền địa phương sớm hoàn thiện đường liên thôn vào thôn Noh Prông và xây dựng cầu treo Noh Prông để cho người dân qua sông an toàn, thầy và trò không phải lo lắng mỗi khi nước lũ về.


Văn Cường
Nuôi con chữ giữa Vườn quốc gia Cát Tiên
Nuôi con chữ giữa Vườn quốc gia Cát Tiên

Hơn 20 năm qua, trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, thuộc địa phận xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đã hình thành một điểm trường đặc biệt. Những giáo viên ở đây phải lặn lội vào rừng dạy chữ cho con em người đồng bào S’Tiêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN