Tránh dàn trải nguồn lực trong chính sách dân tộc

Hà Nội cần tiếp tục huy động ngân sách từ các quận nội thành có điều kiện để ủng hộ đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đi đầu cả nước trong việc đưa tất cả các xã nông thôn, miền núi thoát nghèo bền vững...

Ông Đinh Quế Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, phát biểu tại hội nghị.

Sáng 24/11, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2015, chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và sơ kết 2 năm thực hiện chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn thành phố.

Thành phố Hà Nội có 7,5 triệu người, trong đó có trên 68.000 người dân tộc thiểu số cư trú trên khắp địa bàn 30/30 quận, huyện, thị xã. Thành ủy Hà Nội đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước bằng việc xây dựng và ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 31/10/2011 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi Thủ đô giai đoạn 2011 - 2015. Các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố có nhiều nỗ lực nên công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, các chính sách dân tộc được thực hiện đồng bộ có kết quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong vùng nông thôn miền núi, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện.

Các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức khá, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5% (năm 2015). Đến nay, 100% số xã có đường xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 62,5% số trường đạt chuẩn quốc gia; trên 70% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% hộ đồng bào dân tộc có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt...


Những kết quả này đã góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn Thủ đô, củng cố niềm tin của đồng bào vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Quế Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc yêu cầu: Thành phố cần rà soát lại toàn bộ chính sách để từ đó đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải nguồn lực để phát huy hiệu quả của chính sách; chú trọng đào tạo con em dân tộc thiểu số để sau này tốt nghiệp các em sẽ trở về địa phương công tác. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục huy động ngân sách từ các quận nội thành có điều kiện để ủng hộ đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đi đầu cả nước trong việc đưa tất cả các xã nông thôn, miền núi thoát nghèo bền vững...

Để thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã tập trung thực hiện các kế hoạch và chỉ thị của Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ về chính sách dân tộc; thực hiện có hiệu quả kế hoạch 138/KH-UBND của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020... Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các công trình, dự án sau đầu tư.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 với các mục tiêu cụ thể như: Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 10%; phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,8%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục đạt từ 80% trở lên; 100% các thôn, xã có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng; đến hết năm 2018 không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn…

Tin, ảnh: Minh Huệ (TTXVN)
Vùng dân tộc Thủ đô khoác áo mới
Vùng dân tộc Thủ đô khoác áo mới

Hà Nội có khoảng 68.000 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với 37 thành phần dân tộc. Đồng bào DTTS sinh sống tập trung thành làng, bản tại 14 xã thuộc 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN