Tình yêu người Giẻ - Triêng

Người Giẻ - Triêng sống tập trung ở phía tây bắc tỉnh Kon Tum và tây nam tỉnh Quảng Nam với dân số khoảng 27 ngàn người.

Theo tập tục người Giẻ - Triêng, thanh niên nam nữ từ 14 – 16 tuổi thì lo lập gia đình. Phần chủ động trong hôn nhân thuộc về người con gái. Nếu yêu ai thì người con gái tìm cách đánh tiếng trước.


Trường hợp người con trai không đồng ý, cô gái có thể nhờ bạn bè dùng vũ lực bắt cóc chàng trai. Trường hợp người con trai đồng ý thì ban đêm, anh ta tự nguyện tìm đến nhà cô gái.


Có nơi, cha mẹ dựng cho cô gái chiếc chòi nhỏ ở bên ngoài làng để làm nơi hò hẹn với bạn tình. Theo tập tục Giẻ - Triêng, con trai chỉ có quyền đến ngủ với người con gái không quá năm tối. Nếu quá thời hạn đó, gia đình nhà trai chưa ngỏ lời với nhà gái thì làng có quyền phạt vạ một con lợn và 10 ché rượu.

Thông thường, đôi trai gái yêu nhau thì phần lớn đều được cha mẹ đôi bên chấp thuận. Sau đó, hai gia đình chuẩn bị lễ cưới mà không tiết lộ cho người ngoài biết. Dường như lễ cưới được tổ chức bất ngờ bao nhiêu thì đôi uyên ương càng hạnh phúc bấy nhiêu.

Nhảy múa theo tiếng cồng.


Hôm cưới, cô dâu bí mật “trốn” vào rừng để dân làng phải đi bắt về. Có lẽ tập tục này liên quan đến tục cướp vợ xưa kia ở vùng Giẻ - Triêng. Sau khi bắt được cô dâu, lễ bla được tiến hành. Trong buổi lễ, dân làng tụ tập trung quanh ché rượu cần.


Cô dâu và chú rể được bố trí ngồi đối diện nhau trước mặt người chủ hôn. Ông này cầm tay đôi tân lang, tân nương đặt lên lưng con gà. Tiếp đến, mọi người có mặt đều chạm tay vào con gà, nếu không làm như thế thì người đó không được quyền dự tiệc.


Con gà sau đó đem giết thịt, nấu lẫn với cơm. Cô dâu, chú rể mỗi người được một nắm cơm và một ít gan gà. Họ ăn một ít rồi đổi cho nhau, sau đó uống chung một bát rượu để kết thúc nghi lễ thứ nhất.

Tuỳ theo mỗi nơi mà lễ bla được tổ chức có khác nhau. Ở Xóp Nghét, lễ này gọi là ''lễ ăn cơm canh'' (tuôm xa buốc, xa xế). Hôm đó, cô dâu và chú rể được bắt về ngồi đối diện nhau trên chiếc chõng tre trước mặt ông mối với một bát cơm và một bát canh. Đôi tân lang, tân nương thay nhau ăn bằng một cái thìa gỗ.

Ở vùng Xê Ca Máng, lễ bla được tổ chức đơn giản hơn. Hôm đó, người chủ hôn đánh chiêng tập trung dân làng tại nhà gái rồi cử một số thanh niên đi bắt đôi trai gái về. Theo tập tục, đôi trai gái phải nằm chung trên chiếc chõng tre đặt ở giữa nhà và đắp chung chiếc chăn mỏng. Người chủ hôn bứt mấy sợi tóc của hai người rồi bỏ lên đầu nhau.

Sau lễ bla chừng vài tháng là nghi lễ tava. Người ta làm thịt một con lợn chia đôi cho hai gia đình làm tiệc mời làng. Ngược lại, mọi người cũng mang quà, rượu đến chung vui cùng gia chủ.

Nghi lễ thứ ba là talu được tiến hành nội bộ hai gia đình. Thực chất, đây là bữa cơm thân mật, nhận họ hàng, nhận thành viên mới của hai nhà.

Sau nhiều tuần lễ, nhà gái mang củi sang nhà trai xếp thành từng đống lớn để làm lễ loong (lễ củi). Trong lễ này, nhà trai tặng nhà gái một số đồ đan, còn nhà gái tặng lại nhà trai những sản phẩm của nghề dệt.

Nghi lễ thứ năm là lễ cuối cùng, tức lễ cheo yêng (từ bỏ nhà rông). Sau lễ này, đôi trai gái từ biệt ngôi nhà rông để trở về chung sống với cha mẹ. Sau đó, chủ hôn dẫn đôi vợ chồng về nhà, đặt tay họ lên con heo sẽ hiến sinh. Khi giết heo, họ lấy tiết bôi lên giường mới, ngụ ý cầu cho đôi vợ chồng sinh đẻ nhiều con cái...

Côn Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN