Phụ nữ Khmer giúp nhau thoát nghèo

Giờ đây, nhiều gia đình hội viên phụ nữ dân tộc Khmer ở ấp 8, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã thoát được nghèo. Chị em nơi đây không còn phải chịu cảnh thiếu ăn hoặc đi làm thuê kiếm sống, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành.

Chị Nguyễn Hồng Diệu, Chi hội trưởng phụ nữ ấp 8, có thâm niên hơn 15 năm gắn bó với công tác Hội Phụ nữ chia sẻ: “Nhiều gia đình phụ nữ dân tộc Khmer đã cầm cố hết đất sản xuất, khi đến vụ thu hoạch còn phải trả lúa cho chủ nợ. Chứng kiến tình cảnh đó, tôi rất trăn trở, tự nhủ làm cách nào để giúp họ nhanh chóng chuộc lại đất sản xuất và tạo công ăn việc làm ổn định. 

Nghĩ vậy, tôi đã mạnh dạn đề xuất Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập tổ hùn vàng để giúp vốn xoay vòng trong hội viên mỗi tháng một lần. Từ một tổ hùn vàng đầu tiên nay đã được nhân rộng ra 12 tổ trong toàn ấp, mỗi tổ có từ 10 - 12 hội viên tham gia. Đặc biệt, những hội viên gia đình khá giả tự nguyện góp vàng giúp chị em nghèo chuộc lại đất sản xuất. ‘‘Nhiều người hùn vàng để giúp đỡ một người đang gặp khó’’, không chỉ là việc làm thiết thực mà còn thể hiện tinh thần ‘‘lá lành đùm lá rách’’, tình nghĩa xóm làng ngày càng keo sơn, gắn bó bền chặt”.

Nhờ hùn vốn, nhiều chị em ở Cà Mau đã chuộc lại được đất để sản xuất. Ảnh: Báo Cà Mau

Chị Lý Thị Inh, dân tộc Khmer ấp 8, xã Khánh Bình Đông đã cầm cố 7 công đất ruộng, cuộc sống ngày càng khó khăn, túng quẫn. Nhờ Chi hội Phụ nữ giúp sức bằng cách cho mượn 24 chỉ vàng chuộc lại toàn bộ diện tích đất sản xuất mà gia đình đã cầm cố, để cải tạo trồng màu kết hợp chăn nuôi gà, vịt nên cuộc sống gia đình dần khấm khá. Gia đình chị Inh không quên ơn của chị Diệu và các hội viên phụ nữ, quyết tâm không cầm cố đất, chí thú làm ăn để không tái nghèo.

Không chỉ gia đình chị Inh được đổi đời mà nhiều hội viên phụ nữ dân tộc Khmer trong ấp như chị Thạch Thị Hiên, Lý Thị Phênh, Lý Thu Hà, Lâm Thị Con… đều có cuộc sống sung túc. Trong 5 năm gần đây, chị Diệu đã vận động góp được 1.295 chỉ vàng cho gần 50 hội viên mượn chuộc lại đất sản xuất, xây cất nhà, với lãi suất thấp hơn so lãi suất ngân hàng. Trong đó, 18 phụ nữ là người dân tộc Khmer mượn vàng chuộc lại đất và có 8 gia đình xây nhà tường kiên cố, trị giá 200 triệu đồng/căn.

Nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo.

Được quan tâm chăm lo về lợi ích, chị em hội viên đã tích cực tham gia các phong trào hoạt động của hội. Hằng tháng, các tổ phụ nữ đều duy trì tốt các buổi sinh hoạt hội. Chi hội lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phát động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, thực hiện ‘‘5 không 3 sạch’’, vận động gia đình thực hiện không sinh con thứ ba trở lên, nuôi con khỏe - dạy con ngoan…

Chị Diệu cho biết: Trong thời gian tới, chi hội tiếp tục duy trì các tổ hùn vàng, tổ tín dụng tiết kiệm để kịp thời giúp đỡ cho một số hội viên phụ nữ trong tổ chưa chưa chuộc lại đất sản xuất hoặc đang thiếu vốn chăn nuôi, trồng màu, mua bán nhỏ.
Kim Há
Thoát nghèo nhờ biết làm ăn
Thoát nghèo nhờ biết làm ăn

Không cam chịu đói nghèo, chị Vàng Thị Nhín, 47 tuổi, dân tộc Thái, ở bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo bằng bàn tay và sức lao động của mình trên mảnh đất quê hương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN