Nhộn nhịp làng quết cốm dẹp Ba So

Trong những ngày cuối tháng 10/2011, chúng tôi có dịp theo chân cán bộ xã Ba So vượt con đường bê tông được xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, đến thăm ấp Ba So, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Đây là một ấp có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, và là làng nghề truyền thống khá nổi tiếng ở Trà Vinh với nghề quết cốm dẹp. Vào tới ấp, chúng tôi được chứng kiến một không khí thật nhộn nhịp, Đi tới đâu cũng nghe tiếng chày thình thịch hòa cùng tiếng cười, nói của “thợ” quết cốm dẹp vang lên bên bếp lửa hồng.

Một hộ gia đình ở Ba So đang quết cốm dẹp.


Tiếp chúng tôi, chị Kim Huyền, một người dân của ấp cho biết, nghề quết cốm dẹp ở ấp Ba So có từ rất lâu. Chị Huyền biết nghề này từ nhỏ, do cha mẹ truyền lại. Hàng năm, vào dịp lễ hội Okombok gia đình chị mới quết cốm dẹp để bán cho người dân địa phương kiếm thêm thu nhập; sau đó gia đình chị trở lại việc đồng áng trồng, chăm sóc rau màu... Tìm hiểu các công đoạn để làm ra sản phẩm cốm dẹp, lão nông Thạch Lai - người có ba đời hành nghề quết cốm dẹp ở ấp Ba So, cho chúng tôi biết, quết cốm dẹp thường hoạt động theo nhóm, mỗi nhóm có từ 3 - 4 người; trong đó 1 người chuyên rang nếp, số người còn lại quết, sàng... Muốn có sản phẩm ngon, nếp nguyên liệu chọn làm cốm dẹp phải là nếp đầu mùa còn hơi “non hái”, để giữ lại chút sữa ở đầu hạt nếp. Nếp sau khi thu hoạch được phơi dưới nắng nhẹ buổi sáng cho vừa se se khô, sau đó cho vào nồi đất rang đến khi cháy xém vỏ trấu, bốc lên mùi thơm nhè nhẹ, chuyển sang cối để quết. Công đoạn rang nếp rất quan trọng, bắt buộc phải dùng nồi đất làm bằng thủ công; người đảm nhiệm công đoạn này phải “lành nghề”, bởi nếu rang lâu quá cốm sẽ cứng, còn rang nhanh quá nếp không chín cốm sẽ bị nhão...

Theo truyền thuyết, nhằm ghi nhớ và tạ ơn mặt trăng vốn được người Khmer coi như một vị thần điều động mùa màng, mưa nắng trong năm, giúp họ ấm no, hạnh phúc, vào đêm rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, người Khmer sống ở các phum sóc đều tiến hành Lễ cúng trăng nghi thức: Trước khi trăng lên đỉnh đầu, mọi người trong phum sóc tập trung tại khuôn viên chùa hay khuôn viên nhà - nơi không có bóng cây che khuất mặt trăng. Tại đây, một cái cổng (hai trụ thường làm bằng trúc) được dựng lên, có trang trí hoa lá, dưới cổng đặt 1 cái bàn gồm các sản vật như: Chuối, dừa, khoai, cốm dẹp... Đối với người Khmer, cốm dẹp là vật linh, vừa là món ăn hấp dẫn đầu mùa, vừa là phẩm vật dâng cúng thần linh nên các sản vật cúng trăng tùy theo khả năng của mỗi gia đình, nhưng không thể thiếu cốm dẹp.

Ông Sơn Ngọc Ra, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Trường cho biết, toàn xã hiện có khoảng 80 hộ dân hành nghề quết cốm dẹp để bán vào dịp lễ hội Okombok, tập trung chủ yếu ở ấp Ba So và ấp Tụa. Riêng tại ấp Ba So, quết cốm dẹp không còn theo mùa như trước đây, mà đã sản xuất quanh năm, trở thành nghề mang lại nguồn thu nhập chính của khoảng 20 hộ dân là đồng bào dân tộc Khmer trong ấp. Do sản xuất quanh năm, nên cần đảm bảo nguồn nếp nguyên liệu cho làng nghề hoạt động liên tục. Ấp Ba So hiện có 5 - 6 “hàng xáo” chuyên tỏa đi khắp các cánh đồng trong và ngoài tỉnh làm nhiệm vụ mua, vận chuyển, phơi phóng... cung cấp cho các hộ quết cốm dẹp và sau đó mua lại sản phẩm. Riêng những tháng nghịch mùa, không có nếp mới thu hoạch, người ta đem cả nếp trữ sẵn trong bồ ra sản xuất. Nếp dự trữ đã được phơi rất khô nên trước khi cho vào nồi rang phải đem ngâm nước khoảng 24 giờ cho hạt nếp mềm ra. Cốm dẹp sản xuất từ nguồn nếp nguyên liệu trữ sẵn thì chất lượng (độ dẻo, độ thơm...) không thể sánh được với nếp “non hái” mới thu hoạch, nhưng dẫu sao cũng có cốm quanh năm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cái khó nhất hiện nay là do phần lớn diện tích trồng lúa nếp vùng ngập mặn, ven biển ở Trà Vinh được người dân địa phương chuyển sang nuôi tôm sú, nên diện tích ngày càng bị thu hẹp, nguồn nếp nguyên liệu tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất... Để nghề này phát triển một cách bền vững, xã đang vận động người dân ấp Ba So tham gia thành lập Tổ hợp tác sản xuất cốm dẹp và làm thủ tục đăng ký xây dựng thương hiệu "Cốm dẹp Ba So"...

Từ chỗ là phẩm vật dâng cúng tạ ơn thần mặt trăng theo phong tục của người Khmer, cốm dẹp hiện được xem là loại đặc sản ở Trà Vinh, từ đó các bà nội trợ chế biến ra nhiều món ăn khá nổi tiếng như: Cốm dẹp trộn dừa, gói bánh tét, bánh ích... Ngoài việc được cộng đồng người Kinh - Khmer - Hoa ở Trà Vinh ưa thích, cốm dẹp hiện được tiêu thụ khá mạnh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: Huy Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN