Nghề rèn truyền thống Phúc Sen (Cao Bằng): Nỗi lo từ sự làm ăn nhỏ lẻ

Nghề rèn xã Phúc Sen (huyện Quảng Yên, tỉnh Cao Bằng) vẫn luôn đỏ lửa bởi sản phẩm nơi đây đã từ lâu nức tiếng bền, tiện dụng. Sản phẩm làm ra chủ yếu là nông cụ như dao, liềm, lưỡi cày, cuốc, xẻng... phục vụ công việc đồng áng và trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

Thoát nghèo nhờ nghề truyền thống

Dưới cái nắng hè gay gắt, đến đầu bản Lũng Vài (xã Phúc Sen), chúng tôi đã nghe thấy tiếng máy cắt, tiếng quai búa chan chát.

Anh Lương Văn Học vừa làm liềm vừa kể về nghề rèn.


Ông Hoàng Văn Soòng, Bí thư Chi bộ bản Lũng Vài cũng là một thợ rèn có thâm niên hơn 30 năm, cho biết: "Bản có 45 hộ dân thì 43 hộ làm nghề rèn. Kỹ thuật rèn thủ công ở Phúc Sen không có công thức mà truyền từ người này sang người khác. Muốn học nghề rèn không chỉ có sức khỏe mà cần sự cảm nhận tinh tế của tai, mắt và đôi bàn tay nên dù học cần mẫn, thông minh cũng cần ít nhất 3 năm theo học. Ai làm được sản phẩm sắc bén, rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm, coi như mới thành nghề”.

Anh Lương Văn Thành, 44 tuổi, cho biết: “Nghề rèn ở Phúc Sen có từ khi nào thì không ai nhớ rõ. Nhà mình thì chuyên làm mõ trâu; có nhà lại chuyên làm liềm… Tuỳ vào mối hàng mà mỗi lò rèn sẽ làm theo đơn đặt hàng riêng. Nhờ có nghề này mà mỗi tháng gia đình tôi thu nhập thêm khoảng 3 triệu đồng/tháng".

Theo anh Lương Văn Học, một thợ lành nghề ở bản Lũng Vài cho biết: “Các loại dao Thái Lan, Trung Quốc có hình thức bắt mắt nhưng chỉ dùng được một thời gian ngắn là cùn, không mài được, phải bỏ đi. Do đó người tiêu dùng lại quay sang dùng dao Phúc Sen. Người Phúc Sen luôn ý thức đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Chính vì thế, nhiều thương lái các tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Kạn và thậm chí cả miền Nam cũng ra đặt hàng".
Theo ông Lương Văn Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen, thì nghề rèn đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Do đặc điểm địa hình ít đất canh tác, sản lượng không cao nên nghề rèn đã giúp bà con tăng thu nhập. Nghề rèn truyền thống góp phần giảm nghèo đáng kể cho địa phương. Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo ở Phúc Sen là hơn 22% thì đến nay chỉ còn hơn 13% theo tiêu chí mới.

Trăn trở với nghề

Ông Lượng cho biết: Xã Phúc Sen có 10 thôn thì 6 thôn có hộ làm nghề rèn truyền thống. Cả xã có 1.950 nhân khẩu, đều dân tộc Nùng thì có đến 157 hộ làm nghề rèn, trong đó có 358 thợ lành nghề và hàng trăm thợ phụ. Một thực tế là nghề rèn Phúc Sen nức tiếng với sản phẩm chất lượng tốt nhưng đến nay cuộc sống của người làm nghề rèn vẫn chỉ đủ ăn, chưa thể vươn lên để làm giàu... Do sản phẩm chính vẫn là nông cụ, người dân vẫn làm theo thói quen buôn bán cũ, quy mô hộ nhỏ lẻ, làm theo đơn đặt hàng từ các mối buôn nên nhiều khi bị ép giá. Làm ăn nhỏ lẻ nên sản phẩm rèn của Phúc Sen vẫn chưa cải tiến, công nghệ tráng thép ra màu sáng trắng chưa có.

Đã có một thời, các làng nghề rèn ở Phúc Sen chao đảo trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại dao, kéo nhập ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan với mẫu mã đẹp, màu trắng sáng, giá rẻ hơn. Nhưng nhờ chất lượng tốt, sản phẩm của Phúc Sen đã lấy lại thị trường, thậm chí hai năm trở lại đây, nhiều lô hàng được thương lái mua xuất sang thị trường Trung Quốc. “Chúng tôi chỉ làm những nông cụ giản đơn như liềm, quắm hay dao. Còn những sản phẩm khách hàng yêu cầu cao hơn về mẫu mã, chất lượng rất khó làm vì chúng tôi chủ yếu làm thủ công. Vẫn biết nếu không cải tiến được mẫu mã, chất lượng sẽ khó cạnh tranh nhưng đến nay các lò rèn trong xã vẫn chưa được đổi mới. Ngay tôi đã 19 năm làm nghề cũng chỉ quanh quẩn với mấy cái liềm thôi", anh Lương Văn Học cho hay.

Thị trường tiêu thụ không ổn định cũng đang là nỗi trăn trở lớn của người làm nghề. Sản phẩm chủ yếu là nông cụ nên nghề rèn cũng theo mùa vụ. Thông thường, đến mùa phát nương, làm rẫy (từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau), đơn đặt hàng tăng nhanh nhưng đến mùa hè, lượng tiêu thụ giảm, người làm nghề chỉ làm cầm chừng. Anh Lương Văn Thành cho biết: “Vài năm gần đây, nhiều đoàn khách du lịch vào thăm bản nhưng cũng chẳng có sản phẩm nào bán cho khách cả. Họ chỉ vào chụp ảnh, nói chuyện rồi đi thôi”.

Ông Lượng cho biết, muốn tiếp cận thị trường, thay đổi mẫu mã… thì cần làm ăn theo kiểu tập thể, hợp tác dạng mô hình doanh nghiệp. Cách đây không lâu, một nhóm thợ giỏi, táo bạo của Phúc Sen có ý định thành lập hợp tác xã, tập trung góp vốn để đầu tư búa đập, máy hàn, máy cắt, máy tiện... Nhưng rồi, do thiếu kinh nghiệm tổ chức, cộng với việc xoay xở mãi mà chẳng đủ vốn, nên việc thực hiện ý tưởng này đành dừng lại nửa chừng.

Với năng lực sản xuất khoảng 100.000 sản phẩm/năm và có thể hơn nhiều lần thế, sản phẩm chất lượng cao, nhưng nghề rèn xã Phúc Sen vẫn mới chỉ giúp người dân ở đây có cuộc sống ổn định. Có lẽ, để người dân Phúc Sen làm giàu bằng nghề truyền thống này, cần có sự định hướng và đầu tư của các cấp chính quyền.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN