Mường Nhé: Bài toán giáo dục đã có lời giải

Mười năm về trước, huyện miền núi, biên giới Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) có cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội còn hạn chế, trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả.

 

Điểm trường tiểu học được kiên cố hóa ở bản Nậm Sin, xã Chung Trải, Mường Nhé.

Những ngày đầu thành lập, toàn huyện Mường Nhé chỉ có 11 trường với 5.000 học sinh, trong đó có 7 trường tiểu học, 4 trường trung học cơ sở. Cơ sở vật chất, trường lớp học hầu hết là tạm bợ, đồ dùng dạy học thiếu thốn; đội ngũ giáo viên thiếu, hạn chế về chuyên môn; người dân chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em.


Ông Trần Văn Kiên, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé nhớ lại: “Năm đầu thành lập huyện, việc huy động được học sinh ra lớp thực sự là một bài toán khó đối với ngành. Nhiều trường của huyện rơi vào tình trạng có lớp, có thầy cô, song không có học sinh. Để huy động được các em đến lớp, nhiều thầy cô giáo phải đi bộ nhiều giờ liền đến từng gia đình, vận động phụ huynh cho con em đến lớp”.


Đó là câu chuyện của 10 năm về trước, giờ đây đến với Mường Nhé có thể thấy cơ sở vật chất trường lớp học đã được đầu tư kiên cố. Trong những năm qua, cùng với những chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước cho vùng cao, giáo dục của huyện Mường Nhé đã được quan tâm đầu tư. Thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình 159/CP, Chương trình 135, chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, dự án 30a, dự án trẻ em vùng khó... đến thời điểm này, huyện Mường Nhé đã không còn trường tạm, nhiều lớp học điểm bản cũng đã được đầu tư xây dựng kiên cố. Các đồ dùng phục vụ giảng dạy, học tập cũng được trang bị khá đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Một số trường đã được đầu tư các phòng học chức năng, hệ thống thư viện, phòng máy tính cùng nhiều thiết bị phục vụ công tác giảng dạy khác.


Với đặc thù của huyện vùng cao, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, các em học sinh không thể đi lại trong ngày, hầu hết các em từ bậc tiểu học đến THPT đều phải ở lại trường. Việc giải quyết nơi ăn, nghỉ cho học sinh là một điều khó khăn, song đến nay, thông qua nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, huyện Mường Nhé đã có trên 70% số em học sinh nội trú được ở trong những ngôi nhà kiên cố. Cơ sở vật chất khang trang, đồ dùng dạy học đáp ứng được nhu cầu, đây thực sự là một trong những yếu tố quan trọng để người dân nâng cao nhận thức về giáo dục. Nếu những năm trước, việc vận động con em đến trường là bài toán khó, thì nay, vấn đề này đã được cấp ủy, chính quyền cơ sở, người dân quan tâm và đã trở thành nhu cầu của con em đồng bào các dân tộc.


Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của huyện cũng đã đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Hiện toàn ngành giáo dục huyện Mường Nhé có gần 2.000 biên chế; số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm trên 95%, trong đó hệ mầm non và tiểu học 100% giáo viên đạt chuẩn. Đội ngũ quản lý cũng cơ bản hoàn thiện đáp ứng được yêu cầu trong việc quản lý, điều hành các chương trình giáo dục. Số giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện tăng hàng năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, đã có nhiều giáo viên của huyện đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.


Với việc hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống trường học và đội ngũ giáo viên, huyện Mường Nhé chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xây dựng chương trình kế hoạch dài hạn và ngắn hạn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện tốt các phong trào như: "2 không với 4 nội dung”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cùng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.


Những kết quả đã đạt được này là một sự khởi đầu quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp giáo dục Mường Nhé trong những năm tiếp theo.


Bài và ảnh: Thanh Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN