Lên Tây Bắc xem Hội Ném còn

Chẳng biết trò chơi ném còn có từ khi nào, nhưng giờ đây lên Tây Bắc bạn sẽ được hòa vào những vũ điệu ném còn vui nhộn của người Thái, người Mường và người Tày,… trong những ngày hội, ngày xuân.

Luật chơi ném còn đơn giản, chỉ cần một bãi đất bằng phẳng ven sông suối hay giữa bản rồi dựng một cây sào tre cao từ 9 – 15m, đầu sào buộc một vòng tròn dán giấy đỏ. Còn quả còn thì may bằng vải sợi thô, đầu quả còn hình vuông được nhồi gạo nếp, gạo tẻ hay hạt muồng tùy từng vùng. Người Thái, người Tày, người Mường có luật chơi ném còn giống nhau. Đội chơi ném còn chia làm hai đội, mỗi đội có số người từ 1 -5 đứng hai bên cây sào, tung quả còn lọt vào tâm tròn trên cây sào là đội thắng cuộc.

Trò chơi ném còn ở vùng cao Tây Bắc thường được tổ chức vào ngày Tết, ngày hội hay khi mùa màng gặt hái xong.

Ném còn luôn là trò chơi vui nhộn thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ.

Trong tâm linh của người Thái, trò chơi ném còn còn có một ý nghĩa rất đặc biệt. Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái Lò Văn Ín ở Điện Biên cho biết: Quả còn tượng trưng cho dương, còn vòng tròn dán giấy đỏ trên cây sào tượng trưng cho âm. Người Thái chơi ném còn thể hiện ý muốn âm – dương hòa hợp và mang ý nghĩa phồn thực. Chính vì thế, những gia đình hiếm muộn con cái rất hào hứng tham gia ném còn để cầu tự. Khi tổ chức hội thi ném còn, hướng quả còn ném thường hướng về đầu nguồn sông, hay suối chính là hướng về các bản làng người Thái vì người Thái thường sinh sống bên đầu nguồn con nước.

Các cô gái Thái trong trang phục váy cóm duyên dáng ném còn là hình ảnh thường gặp khi bạn lên vùng cao Tây Bắc.


Còn đối với người Mường thì trò chơi ném còn chính là bà mối xe duyên. Người Mường chơi ném còn cũng chia hai đội nam – nữ, nhưng bên nào thua thì phải để lại một vật làm tin cho người thắng cuộc giữ. Nhưng thường người thua bao giờ cũng là các chàng trai. Sau hội tung còn, chàng trai quay lại tìm nhà cô gái (người thắng cuộc) để xin lại vật làm tin trong cuộc thua. Nhưng thực ra, đó chỉ là cái cớ để các chàng trai tìm hiểu và tỏ tình. Để rồi sau đó, cha mẹ đôi bên mới làm các thủ tục: Dạm ngõ, ăn hỏi, cưới xin.

Trò chơi ném còn không phân biệt lứa tuổi, người già cũng hào hứng tham gia.


Với người Tày thì trò chơi ném còn mang ý nghĩa cầu mùa. Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, thầy mo dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất. Sau phần nghi lễ, thầy mo cầm hai quả còn đã được “ban phép” tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc chơi ném còn năm đó. Trước khi khép hội, thầy mo rạch quả còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm - dương).

Trong các hội thao vùng cao, ném còn là môn thể thao thi đấu chính thức song hành cùng với các môn thể thao khác như: Cầu lông, đá cầu, đầy gậy….


Truyền thuyết về trò chơi ném còn, người Thái ở Mường Thanh (Điện Biên) kể rằng: Ngày xưa, nhân năm được mùa, mưa thuận gió hòa, vua Hùng đóng đô ở Phú Thọ mới mời nhân dân các bộ tộc, bộ lạc về tổ chức lễ hội. Nhà vua mới sáng chế ra trò chơi ném còn để nhân dân cùng vui chơi. Từ đó, trò chơi ném còn rất phổ biến đối với người Thái. Từ truyền thuyết này cũng có thể lý giải vì sao trò chơi ném còn không chỉ rất phổ biến ở vùng cao Tây Bắc mà thỉnh thoảng ta còn thấy ở hội làng ở các làng quê người Kinh ở đồng bằng Bắc bộ.

Ở các hội thi ném còn, các cổ động viên luôn cổ vũ rất nhiệt tình.

Niềm vui khi ném quả còn trúng đích.


Nhưng có lẽ, ở vùng cao Tây Bắc cuộc sống của người Thái, người Mường và người Tày gần gũi với thiên nhiên nên trò chơi ném còn trở về đúng nghĩa nguyên thủy nhất. Nó vừa là môn thể thao rèn luyện sức khỏe lại mang nhiều ý nghĩa tâm linh nhân văn sâu sắc.

Bài: Bùi Yến - Ảnh: Yên Ninh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN