Lặng thầm những cô đỡ thôn bản

Những nơi thuộc vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc như xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản được ngành y tế đánh giá là một giải pháp hữu hiệu trong công tác giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh; cải thiện công tác chăm sóc trước, sau sinh, giảm chuyển tuyến và giảm ca tai biến. Đằng sau những kết quả tích cực đó, mấy ai biết được sự vất vả, khó nhọc mà đội ngũ cô đỡ thôn bản từng ngày đóng góp cho xã.

Nhọc nhằn cô đỡ thôn bản

Ông Thào Chờ Chìa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hừa Ngài cho biết: Hừa Ngài là một xã khó khăn của huyện Mường Chà, có 16 bản, với trên 900 hộ, gần 6.000 nhân khẩu sinh sống, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Trong đó dân tộc Mông chiếm 92%. Tỷ lệ đói nghèo của xã hiện còn trên 80%. Do trình độ dân trí thấp cùng với phong tục lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, bản xa nhất cách trạm y tế xã 60 km đường đồi núi nên công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ các cô đỡ thôn bản - lực lượng chủ yếu trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, trạm đã quản lý được số phụ nữ mang thai trong xã, vận động được nhiều chị em đi khám thai, chọn nơi sinh con an toàn.

Cô đỡ Mùa Thị Kía tư vấn sức khỏe sinh sản tại bản Sán Súi, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, Điện Biên.


Men theo con đường núi tìm về với những bản vùng sâu, vùng xa như Sán Súi, Huổi Ít, Sa Xà Hồ, Há Lá Chủ, Phi Công… chúng tôi cảm nhận được sự vất vả, nhọc nhằn và cả nỗi hiểm nguy trong công việc mà đội ngũ này gặp phải. Người đầu tiên chúng tôi gặp là Giàng Thị Ánh (bản Phi Công), qua câu chuyện Ánh kể, chúng tôi được biết: Tuy mới làm cô đỡ được hơn một năm, nhưng Ánh đã giúp hơn 10 phụ nữ sinh nở an toàn bằng việc tuyên truyền, vận động chị em đến sinh nở tại các cơ sở y tế, tư vấn chăm sóc mẹ và bé thời kỳ mang thai. Ánh nói: Để làm tốt được công việc của một cô đỡ mình phải đi lại rất nhiều, bản mình còn nghèo lắm, chưa có đường to, đường nhựa nên nhà có xe máy cũng chẳng dám đi vì không vững tay là lao xuống vực hiểm.

Cùng chung tâm sự với Ánh, cô đỡ Giàng Thị Chía (bản Hà Là Chủ A), Mùa Thị Kía (bản Sán Súi) cho biết thêm: "Nhiều khi nửa đêm nhận được tin báo có người sắp sinh, mình phải cắt rừng đi bộ hàng chục km để đến giúp sản phụ sinh nở. Ngoài những thứ dụng cụ cần thiết phụ giúp việc sinh nở cho thai phụ, chúng mình chỉ mang theo đèn chiếu sáng và điện thoại di động để đi đường, liên lạc. Có những lần đèn pin hết điện giữa đường, hay vào khu vực máy điện thoại mất sóng, chúng mình vẫn tiếp tục đi mặc cho bàn chân bỏng rộp, tứa máu; váy áo thủng rách, bám đầy bụi đất, sình lầy". “Công việc vất vả lắm nhưng chúng mình thấy vui sau những ca đỡ thành công được nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc. Chúng mình hạnh phúc vì công sức của chúng mình đã đem lại niềm hạnh phúc cho bà con”, Kía nói.

“Thần hộ mệnh” vùng cao

Với “ông bố trẻ” Mùa A Sính thì cô đỡ Kía không những là ân nhân của riêng vợ chồng anh mà là của cả 110 hộ ở bản Sán Súi, bởi chính bàn tay cô Kía đã giúp đỡ hàng chục thai phụ sinh nở an toàn, không ít những trường hợp nguy kịch, rủi ro đã được cô đỡ Kía hóa giải. Trường hợp sinh nở của chị Giàng Thị Mỷ (24 tuổi), vợ anh Mùa A Sính là một ví dụ.

Anh kể: Đêm đó, khi con gà rừng gáy sáng cũng là lúc Mỷ chuyển dạ, kêu khóc liên hồi vì đau. Sính và người mẹ già gần 70 tuổi, chân tay lóng ngóng run rẩy chỉ biết ngồi bên vợ an ủi. Trong ánh sáng của ngọn đèn dầu mờ tỏ, Sính nhận ra sắc mặt của vợ mình càng lúc xanh xao, tái nhợt. Sau gần 3 tiếng đồng hồ vật vã với những cơn đau quặn thắt, hơi thở của vợ anh yếu dần. Sính đã gọi điện đến Trung tâm Y tế xã hàng chục lần nhưng chẳng có ai cầm máy, những giọt nước mắt đã lăn trên gò má khi anh nghĩ đến điều không lành… Chợt đứa con trai đầu 2 tuổi Mùa Nhật Tân bật khóc làm anh giật mình và sực nhớ đến cô đỡ Kía. Tức tốc anh chạy về đầu hồi, nơi có nét bút nguệch ngoạc ghi số điện thoại của Kía và gọi điện trong hi vọng, thấp thỏm. Hơn 10 phút sau, Kía đã xuất hiện và sự sinh nở của vợ anh được “mẹ tròn con vuông”. “Nghe tiếng đứa bé oe oe, tôi đã ôm chầm lấy Kía và khóc”, anh Sính tâm sự.

Trường hợp của chị Kháng Thị Giếnh (21 tuổi) ở bản Sán Súi càng minh chứng vai trò “thần hộ mệnh” của những cô đỡ thôn bản trên địa bàn. Qua câu chuyện với Giếnh, chúng tôi được biết: Vào một đêm cuối năm 2010, chị chuyển dạ. Do đường xuống trung tâm y tế xa xôi, lại là lần thứ 2 sinh nở nên chị chủ quan đẻ ở nhà. Sự việc ngoài dự đoán của chị và người thân là chị mang thai đôi, đứa đầu tiên sinh ra đã không may mắn… Lúc ấy chị mất máu rất nhiều, người mệt mỏi, rã rời tưởng như muốn buông xuôi theo số phận. Rồi cô đỡ Kía xuất hiện, sơ cấp cứu ban đầu cần thiết và vận động người nhà chuyển Giếnh xuống Trung tâm y tế huyện Mường Chà kịp thời nên đã cứu sống được cả mẹ và con. Giếnh nói: Lần đó, không có sự giúp đỡ của Kía thì giờ này mình và con gái không có may mắn gặp mặt mọi người đâu.

Thực tế cho thấy, qua 1 năm đi vào hoạt động (từ tháng 9/2010), mô hình cô đỡ thôn bản ở xã Hừa Ngài nói riêng và ở các xã còn lại được đào tạo mô hình cô đỡ thôn bản của 2 huyện Mường Chà, Điện Biên Đông đã phát huy hiệu quả và khẳng định tính tích cực.

Bà Vi Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện chỉ có 2/9 huyện, thị, thành phố là huyện Mường Chà và Điện Biên Đông được đào tạo chương trình cô đỡ thôn bản. Ở hơn 30 xã có mô hình cô đỡ thôn bản của 2 huyện này, thành công lớn nhất của mô hình là đã phát hiện, tư vấn chuyển tuyến kịp thời cho tất cả phụ nữ có thai có dấu hiệu nguy hiểm. Từ khi đi vào hoạt động đến nay chưa có trường hợp nào bị tai biến sản khoa và mẹ bị tử vong tại những nơi có các cô đỡ thôn bản.

Tuy nhiên, trợ cấp mà những cô đỡ thôn bản nhận được chỉ vẻn vẹn 50.000 đồng/tháng từ chương trình hỗ trợ. Đây là số tiền quá ít ỏi so với công sức mà những cô đỡ thôn bản đã cống hiến. “Vì trách nhiệm, vì thương người dân ở bản mình nghèo nên mình phải cố gắng làm tốt công việc thôi chứ tiền lương thì không đủ chi phí đi lại đâu mà”, cô đỡ Mùa Thị Kía nói.

Bài và ảnh: Xuân Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN