Hồ Văn Pâng - “nghệ nhân” của núi rừng

Lầm lũi trong rừng tìm vật liệu chế tác các loại nhạc cụ, có lúc “xuất ngoại” sang hẳn đất bạn Lào, Hồ Văn Pâng (44 tuổi) thôn Bản 1 Cũ, xã Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã chế tạo nhạc cụ truyền thống từ gỗ, tre, nứa.


Tiếng đàn T-rưng dệt nên câu chuyện tình


Trên con đường đất đỏ bị mưa rừng xé tan tành dẫn vào Bản 1 cũ, chúng tôi hỏi đường vào nhà của “nghệ nhân” Hồ Văn Pâng. Cụ bà Hồ Thị Tơ (69 tuổi) người dân tộc Vân Kiều, dù đôi tai đã nghễnh ngãng nhưng cố lục lọi trong trí nhớ của mình về người biết làm đàn, nhị, sáo, khèn… rồi chỉ tay về hướng cây đa án ngự ở giữa bản. “Nhà anh Pâng ở gần đó, cả bản nó là người chơi nhạc giỏi nhất và làm đàn T- rưng nữa. Mưa gió thế này chắc nó ở nhà đục đẽo, không đi rừng đâu”, cụ chỉ đường.


Hồ Văn Pâng tỉ mỉ dạy cách làm nhạc cụ cho dân bản.


Càng tiến về căn nhà sàn, chúng tôi càng thấy rõ sự đặc biệt của ngôi nhà người “nghệ nhân” rừng núi này. Căn nhà khá nhỏ, từ ngoài vào trong đều được bao phủ bởi gỗ, tre, nứa... Đây cũng là các vật liệu chính để tạo nên những sản phẩm nhạc cụ truyền thống, là nét đặc trưng riêng biệt của tộc người Vân Kiều xưa nay. May thay khi chúng tôi đến, “nghệ nhân” Pâng đang có mặt ở nhà. Anh đang mải mê đục đẽo những thanh gỗ cho bằng phẳng. Thấy chúng tôi, anh dừng công việc, rót nước mời khách rồi bảo: “Tôi tranh thủ làm vậy đó chú, cả ngày đi nương rẫy rồi. Sắp hoàn thành cây đàn T-rưng rồi, tặng cho thanh niên nam nữ trong bản đánh cho vui ngày cưới, ngày hội…”.


Chỉ với công cụ thô sơ, Hồ Văn Pâng vẫn làm được những nhạc cụ truyền thống.


Rồi Hồ Văn Pâng chỉ cho chúng tôi những nhạc cụ anh chế tạo như: đàn T- rưng, đàn A - Ben (gần giống đàn nhị), khèn a Guôch, sáo a Tiơre… Tất cả các sản phẩm trên anh đều làm một mình. Anh chơi các loại nhạc cụ người Vân Kiều một cách rất chuyên nghiệp dù chưa trải qua bất kỳ một hình thức đào tạo nào. Anh bảo rằng mỗi loại nhạc cụ đều mang một linh hồn, âm thanh của chúng rất hay, có cái thì tựa tiếng róc rách của con suối, cái thì như gió thổi về thung lũng đại ngàn, cái thì như tiếng sấm hô vang của đất trời… Khi hòa quyện với nhau chúng cho ra những âm sắc bay bổng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ.


Tiếng kèn a Guôch của “nghệ nhân rừng núi” Hồ Văn Pâng.


Vừa kể chuyện, anh Pâng vừa gẩy cho chúng tôi nghe những làn điệu, khúc hát truyền thống của tộc người Vân Kiều. Khi chúng tôi đặt câu hỏi lý do đến với nghề, thì Hồ Văn Pâng cười một hồi rồi kể rằng, lúc còn thanh niên trai trẻ, anh đã phải lòng một cô gái nết na dịu dàng ở bản bên. Mấy năm trời ròng giã, sang nhà cô gái làm đủ mọi việc nhưng vẫn không được lòng người đẹp. “Cô ấy giờ là vợ tôi rồi. Nhưng lúc ấy, cô ấy nói tôi là người không có tài gì. Suy nghĩ mãi tôi quyết định chế tác đàn T-rưng, hát nhạc, thổi kèn cho giỏi để tỏ tình với cô ấy…”.


Sau mấy tháng lên rừng tìm kiếm gỗ tốt, các dụng cụ tre nứa phụ thêm, thế là anh nghĩ ra cách làm đàn rồi ngồi đánh dưới chân cầu thang nhà cô gái. Đổ bao nhiêu công sức cuối cùng anh đã cưới được nàng. Tình yêu đã khiến anh chơi thành thạo đàn T-rưng.


Từ đó, với niềm đam mê âm nhạc, Hồ Văn Pâng, bắt đầu men theo đại ngàn Trường Sơn lục lọi trong các khu rừng sâu thuộc biên giới Việt- Lào để tìm vật liệu làm nhạc cụ. Hễ cứ rảnh việc, thu xếp được thời gian là anh lại lên đường. Những chuyến đi của anh nhiều khi chỉ có cơm nắm với thùng mì tôm. Gặp đâu ngủ đó, đói thì ăn rau rừng, khát thì vục đầu xuống suối mà uống nước. Hầu như trong các cánh rừng bạt ngàn đều in dấu chân người “nghệ nhân” của bản này.


Kỷ niệm mà Hồ Văn Pâng không thể nào quên được là lần sang tận tới đất Lào để tìm cây nứa nhỏ về làm khèn a Guôch, loại này rất hiếm ở rừng địa phương. Đã nhiều ngày tìm kiếm trong vô vọng, anh xách bao bị, dao búa chuẩn bị về thì chợt nhìn thấy bụi nứa mọc ngay rẫy của một người dân. Anh mừng quá thế là tay này tay nọ đua nhau đốn hạ. Chủ rẫy phát hiện nhất quyết đưa anh về bản và phạt Pâng phải cúng một con lợn mấy chục kg. Nhưng sau khi nghe anh trình bày lý do mình đốn nứa về để làm nhạc cụ, chủ rẫy không phạt lỗi nữa mà còn giúp anh chuyển nứa sang sông Xê Pôn về đất Việt.


Người giữ hồn cho bản làng


Nhiều lần Pâng lang thang vào tận các vùng A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên - Huế) tìm gặp những nghệ nhân nổi tiếng về chế tác và biểu diễn nhạc cụ người dân tộc Vân Kiều. Không quản đường sá xa xôi, hễ ở đâu có nhạc công giỏi là anh lại tìm đến. Có nhiều trường hợp nghệ nhân chế tác nhạc cụ không muốn truyền đạt bí kíp nghề nghiệp của mình, anh lại kiên nhẫn giải thích. Thuyết phục không được thì anh học lỏm, lân la quan sát rồi mày mò thêm. Những lần đi thăm họ hàng ở các vùng khác, Hồ Văn Pâng một mực bắt người nhà đưa tới các xưởng hay đến từng nhà để học hỏi và nghiên cứu các nhạc cụ.


Cây đàn T-Rưng làm nên cổ tích về tình yêu của Pâng.


Giờ đây trong căn nhà bé nhỏ, Hồ Văn Pâng dành hẳn một góc để làm "bảo tàng" sưu tập nhạc cụ riêng của mình. Anh Pâng cho biết, để có được cây đàn tốt, gỗ làm đàn phải có số tuổi phù hợp, ít nhất cũng trên 20 năm, nhưng gỗ ấy giờ hiếm lắm. Gỗ được đưa về phải ngâm nước cho khỏi mối mọt, nhất là loại mọt ấu trùng đã có sẵn trong thân. Sau đó hong khô trên bếp lửa bằng khói vang xa. Nhất thiết không phơi nắng vì rất dễ nứt nẻ, thời tiết núi rừng lại khắc nghiệt.


Nhiều đêm trăn trở vì nhóm gỗ quý ngày càng khan hiếm, lại nằm trong danh mục cấm, phải tìm một loại gỗ mới để phục vụ cho việc chế tác nhạc cụ, Hồ Văn Pâng gần như vô vọng vì gỗ tạp ở rừng rất nhanh mục nát, tạo âm thì tiếng đục ngàu, có cây không chịu phát ra tiếng. Đang vắt óc suy nghĩ thì một hôm vài đứa trẻ con trong xóm đùa nghịch bằng cách gõ vào thớ gỗ cây bồ đề đốn hạ ở đầu làng để ra hiệu lệnh cho nhau. Âm thanh phát ra rất giòn tai, thế là anh thầm cám ơn trời đất rồi tìm cách chế tác cho đàn từ loại gỗ này bằng được.


Anh Pâng tâm sự: “Khó lắm đó. Ai đời lại đi làm đàn bằng gỗ cây bồ đề. Nhưng có bí quyết xử lý gỗ thì thành công đó. Không phải phá rừng nữa, giá thành lại thấp, phù hợp lắm”. Rồi anh dong xe máy lên thẳng UBND xã Thuận cho chúng tôi chiêm ngưỡng về sản phẩm anh mang tặng đội văn nghệ xã. Một vài cây khác anh tặng cho các thôn bản của bản lân cận.


Đối với các loại sáo hay khèn thì đơn giản hơn làm đàn, nhưng tùy từng loại tre nứa mà cho tiếng khác nhau. Từng chất đất nuôi tre nứa cũng cho ra những sản phẩm khác nhau. Hồ Văn Pâng đúc kết rằng, tre nứa mọc ở vùng đất càng chai sạn, càng cao ráo thì càng quý. Cũng như con người lớn lên trên vùng khó thì bao giờ cũng có khả năng chịu đựng và đanh thép.


Những ngày sau mùa rẫy, các bản thường chuẩn bị cho hội mừng lúa mới. Đêm trăng Trường Sơn vằng vặc sáng, Hội mừng lúa mới được tổ chức ở sân rộng nhất. Bà con tộc người Vân Kiều ăn cơm mới, uống ngụm rượu cần chếnh choáng men nồng. Trai gái nắm tay nhau quanh ngọn lửa lớn, nhảy điệu truyền thống hòa quyện trong tiếng chiêng cồng ngân vọng, tiếng đàn T- rưng thánh thót. Đêm ấy, đại ngàn Trường Sơn thật vui. Hội kéo dài đến gần tới sáng. Tất cả người dân trong bản đều cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Nhưng những cảnh tượng ấy đang mai một dần. Bây giờ cuộc sống khấm khá hơn, trai gái hẹn hò nhau ở quán cà phê với những âm thanh bốc lửa ở đầu bản, tiếng đàn hẹn hò T-rưng nay được thay bằng những âm thanh từ các quán karaoke dưới trung tâm xã. Anh Pâng mong muốn đem kinh nghiệm của mình trong chế tác nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ để vốn quý văn hóa của cha ông có thể được lưu giữ, kế thừa nhưng anh lo ngại rằng, bây giờ thật hiếm người có lòng say mê âm nhạc truyền thống để có thể đi đến tận cùng với nó.



Bài và ảnh:Trần Phúc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN