Hiệu quả từ những bữa ăn bán trú cho học sinh vùng cao

Những năm trước đây, tình trạng học sinh ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La tự ý bỏ học diễn ra khá phổ biến. Từ khi chủ trương nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú được triển khai, không những giảm hẳn tình trạng học sinh tự bỏ học giữa chừng, mà chất lượng học tập cũng dần được nâng cao.

Năm học 2015-2016, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Khoang của xã Mường Và, có 8 lớp học, với 244 học sinh, trong đó có 131 em bán trú. Hầu hết các em học sinh là con em dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, nhà lại cách xa trường, nên việc nấu ăn tập trung đã giúp các em sau mỗi buổi học không phải tự lên rừng kiếm củi, lấy rau rừng về để nấu ăn như trước. Thay vào đó các em có thời gian để tập trung cho việc học tập.

Những bữa ăn bán trú đảm bảo dinh dưỡng hơn ở nhà.

Thầy Phạm Văn Tuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với mức hỗ trợ 460.000 đồng và 15 kg gạo/tháng/học sinh, nhà trường đã tính toán tỉ mỉ, cân đối, hợp lý, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và 3 bữa/ngày cho các em. Việc nấu ăn tập trung giúp các em dành được nhiều thời gian cho học tập hơn, đặc biệt khắc phục được tình trạng học sinh tự ý bỏ học giữa chừng.

Em Lậu Bả Khai, học sinh lớp 8B, trú tại bản Púng Pảng (cách trường 21 km) tâm sự: “Do nhà đông anh em, nên bữa cơm của gia đình em đa số chỉ có rau rừng với muối trắng, có bữa phải ăn cơm độn sắn. Giờ đi học, được các thầy cô nấu cho ăn, em rất vui, bữa ăn có đầy đủ chất và được đổi món thường xuyên”.

Nhờ tổ chức ăn bán trú, học sinh vùng cao Sơn La đến trường chuyên cần hơn.

Mặc dù chưa được công nhận là trường phổ thông dân tộc bán trú, nhưng Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Mường Lạn, xã Mường Lạn cũng đã tổ chức nấu ăn cho học sinh từ năm học 2013 - 2014. Thầy Nguyễn Minh Sáng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Qua thực hiện, thấy học sinh có nhiều thời gian để tập trung vào việc học tập, không mất thời gian vào việc nấu cơm, cảnh quan môi trường cũng đảm bảo vệ sinh hơn. Học sinh được đảm bảo sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng học tập, duy trì sĩ số ở mỗi lớp học.

Năm học 2015 - 2016, Trường Trung học cơ sở Mường Lạn có 19 lớp với 477 học sinh, trong đó có 250 em học bán trú và ăn cơm tại bếp của trường. Trước đây, nhà trường chưa tổ chức nấu ăn, các khoản trợ cấp cho học sinh theo Quyết định số 36 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mỗi tháng trợ cấp 15 kg gạo/học sinh, chính sách cho học sinh bán trú mỗi tháng được cấp học bổng 460.000 đồng/suất/học sinh và các khoản trợ cấp khác thường bị gia đình các em sử dụng để trang trải cho kinh tế gia đình, dẫn đến việc đời sống của các em học sinh chưa được đảm bảo.

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: Huyện có 19 đơn vị trường học nấu ăn bán trú thì tất cả đều triển khai có hiệu quả chương trình nấu ăn bán trú cho học sinh. Hiệu quả lớn nhất của chương trình là học sinh có thời gian để học tập tốt hơn, khắc phục được tình trạng sau giờ học học sinh phải vào rừng kiếm củi, hái rau để nấu ăn và phụ huynh học sinh yên tâm khi con em ở xa gia đình được nhà trường chăm sóc đảm bảo.
Công Luật
Bữa cơm bán trú vùng cao
Bữa cơm bán trú vùng cao

Xa nhà, xuống núi học chữ và ở lại nhà bán trú đến cuối tuần mới “ngược sơn” về thăm nhà, những đứa trẻ người Mông, người Dao, người Tày trên núi cao Tây Bắc thấy mình tự tin, trưởng thành và em nào cũng thấy yên tâm ở lại trường khi được nhà trường tổ chức nấu ăn hằng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN