Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Nguyên

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn vùng Tây Nguyên đã có hiều chuyển biến tích cực, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.


Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết, các tỉnh Tây Nguyên đã quan tâm đầu tư, xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn. Toàn vùng đã bổ sung 128 phó bí thư cấp ủy xã chuyên trách xây dựng hệ thống chính trị ở các địa bàn trọng điểm, huy động hàng ngàn cán bộ các ngành, các cấp, lực lượng vũ trang hình thành các đội công tác tham gia làm công tác dân vận, xây dựng, kiện toàn, củng cố cơ sở, giúp các địa bàn nắm dân, nắm tình hình, vận động quần chúng.


Các cấp ủy đảng vùng Tây Nguyên cũng đã làm tốt công tác phát triển đảng viên mới, thưc hiện tốt chủ trương xóa “trắng” đảng viên và “trắng” tổ chức đảng ở các địa bàn dân cư. Chỉ riêng từ năm 2008 đến nay, toàn vùng đã kết nạp được 42.191 đảng viên mới (trong đó ở thôn, buôn, tổ dân phố kết nạp 15.086 đảng viên mới), nâng tổng số đảng viên của cả vùng Tây Nguyên tăng lên 161.746 đảng viên. Năm 2001 loại hình xã, phường, thị trấn vùng Tây Nguyên chỉ có 568 đảng bộ cơ sở và 98 chi bộ cơ sở, đến nay đã tăng lên 3.661 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 722 đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn và 1.183 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố. Hiện cả vùng Tây Nguyên chỉ còn 461/7.768 thôn, buôn, tổ dân phố chưa có chi bộ (chiếm 5,93%), 54 thôn, buôn, tổ dân phố chưa có đảng viên tại chỗ (chiếm 0,69%)...


Các cấp ủy đảng vùng Tây Nguyên cũng đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện đối với các hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng thời, thường xuyên chăm lo công tác xây dựng đảng, chỉnh đốn Đảng, tích cực đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức phân công, phân nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức hội họp, cách ra nghị quyết để mang lại hiệu quả cao, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.


Hầu hết các cấp ủy cơ sở đảng trên địa bàn vùng Tây Nguyên đã tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tập thể ban chấp hành, ban thường vụ và trách nhiệm của từng cấp ủy viên, phát huy tính tiên phong gương mẫu của đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao gắn với “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.


Hoạt động của UBND cấp xã vùng Tây Nguyên đã đi vào nề nếp và việc nắm bắt, tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt có chuyển biến tích cực, phong cách làm việc gần dân, sát dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân. Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", tính minh bạch, công khai, dân chủ đã được đề cao. Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng xây dựng, triển khai thực hiện tốt các quy ước, hương ước, quyền làm chủ của nhân dân cũng được phát huy tốt hơn, vị trí của buôn, làng được coi trọng. Ở địa bàn dân cư vùng Tây Nguyên hiện nay, người dân trực tiếp bầu thôn trưởng, ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò già làng, người có uy tín được chú trọng khi tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích của cộng đồng tại thôn, buôn. Hội đồng Nhân dân, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở xã, phường, thị trấn vùng Tây Nguyên cũng đã được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động...


Trên cơ sở những kết quả này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề xuất, kiến nghị Trung ương sớm đánh giá toàn diện về chủ trương bổ sung phó bí thư cấp ủy chuyên trách xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở đối với các xã trọng điểm vừa qua, để có chủ trương tiếp theo cho phù hợp với tình hình; kiến nghị Trung ương cần có chính sách cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã và địa bàn dân cư ít nhất phải bằng 1,5 lần hệ số lương tối thiểu cho cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ có uy tín, được nhân dân tín nhiệm.


Ban cũng đề xuất, kiến nghị Trung ương tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở trường, lớp, chính sách giáo dục nội trú, bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cấp cơ sở theo hướng tăng cường về kỹ năng quản lý, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể ở cơ sở phù hợp với thực tế tại địa phương nhằm góp phần tạo ra sự ổn định về mặt kinh tế, xã hội, an ninh chính trị ở cơ sở vùng Tây Nguyên...


Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN