Dinh thự họ Vương trên cao nguyên đá

Đường vào cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) điệp trùng là đá xen lẫn với ngô, cây trồng chủ yếu của đồng bào Mông nơi đây. Khi đã đặt chân vào địa phận xã Sà Phìn, từ trên cao phóng tầm mắt về thung lũng mây Sà Phìn, du khách có thể nhận ra khu dinh thự họ Vương ẩn mình dưới tán những cây sa mộc. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo với ba lớp: Tiền sinh, trung sinh và hậu sinh.

Ngay cổng vào, rất nhiều du khách dừng chân chụp ảnh kỷ niệm bên hai câu đối: “Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập/Môn phong lưu quý khách vãng lai”. Tạm dịch là “Nhà quý hiền, người vào ra/Cửa phong lưu, khách lui tới”. Nằm ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, khu dinh thự họ Vương được xây dựng trên quả đồi có hình mai rùa, nhìn về hướng nam. Công trình bề thế, uy nghi với kiến trúc hình chữ “Vương”, vừa làm dinh thự, vừa làm pháo đài phòng thủ. Trải qua bao sương gió khắc nghiệt, về cơ bản công trình vẫn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu. Quy mô của dinh thự không lớn nhưng đây là một công trình kiến trúc đẹp hiếm có và hội tụ những tinh hoa kiến trúc của vùng cao nguyên đá.

Bên trong khu dinh thự họ Vương.


Hướng dẫn viên du lịch của khu dinh thự và là chắt nội của người em ông Vương Chí Sình (đại biểu Quốc hội khóa I) - chị Vương Thị Chở năm nay 28 tuổi, cho biết: Một thế kỉ trước, dòng họ Vương đã thống lĩnh được toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn này và tự xưng vương, người Mông vẫn thường gọi là vua Mèo. Để khẳng định vai trò và uy quyền của mình, vua Mèo Vương Chính Đức (thân sinh của Vương Chí Sình) đã cho xây dựng một khu tư dinh theo kiểu kiến trúc Trung Hoa cổ. Dinh thự họ Vương được xây dựng từ năm 1919, và phải mất hơn 8 năm với 150.000 đồng bạc trắng, khu dinh thự này mới được hoàn thành.

Khu dinh thự họ Vương được dựng bởi bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa đến từ Vân Nam (Trung Quốc) cùng những tốp thợ giỏi nhất của người Mông. Do vậy, công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Trung Hoa đời Thanh kết hợp với tinh hoa của người Mông bản địa. Vật liệu để xây dựng nhà gồm đá xẻ, gỗ lim, gỗ nghiến, nền nhà bằng đất, lợp ngói âm dương…, kết cấu kiến trúc gồm hai tầng, sàn nhà được lát bằng gỗ. Các bộ phận dù bằng đá hay gỗ đều được chạm khắc cầu kỳ, khéo léo thành hình rồng, phượng, dơi… tượng trưng cho sự trường tồn, hưng thịnh của các dòng họ quyền quý.

Phía ngoài gian chính giữa có treo một bức hoành phi bằng chữ Hán do vua triều Nguyễn phong tặng vua Mèo “Biên chinh khả phong”, có nghĩa là "chính quyền biên cương này mạnh". Toàn bộ khu dinh thự có diện tích 1.120m2 với 6 dãy dọc, 4 dãy ngang, kết cấu hai tầng với 64 gian phòng khác nhau gồm nhà khách, phòng làm việc, phòng ngủ cho các thành viên trong gia đình, phòng ở của các gia nhân giúp việc và quân lính, nhà kho lương thực, kho vũ khí, phòng bếp, kho thuốc phiện…

Dinh thự có ba ngôi nhà sàn. Ngôi nhà chính quay mặt ra cổng thành, hai ngôi nhà phụ song song nhau và vuông góc với ngôi nhà chính. Cả ba ngôi nhà được làm bằng gỗ, từ cột, kèo, sàn, vách, mái đều làm bằng gỗ quý. Ngôi nhà chính là nơi ở của Vương Chính Đức, hai ngôi nhà kia dành cho những người phục vụ và lính bảo vệ. Ngoài phần chính, khu dinh thự họ Vương còn được thiết kế thêm nhà đón khách, nhà sinh hoạt chung, khu bể nước và chuồng gia súc. Những hạng mục được xây dựng phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào Mông ở vùng cao núi đá. Tường thành được xây cao vút xung quanh, có quân lính bảo vệ, cách mỗi đoạn tường lại được bố trí các lỗ châu mai và chòi canh để bảo đảm an ninh cho cả khu nhà. Nội thất bên trong nhà hiện còn lưu giữ được khá nhiều để trưng bày giới thiệu cho du khách bao gồm đồ dùng sinh hoạt, tư trang cá nhân… Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Hà Giang có trưng bày thêm các hiện vật tiêu biểu phản ánh đời sống văn hoá và lao động sản xuất của dân tộc Mông vùng cao nguyên đá.

Ngày nay, khu tư dinh của vua Mèo đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, chủ yếu để phục vụ khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Các hậu duệ của họ Vương được tỉnh Hà Giang xây dựng cho những ngôi nhà ở phía trước khu dinh thự.

Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương từng được ví như một hạt ngọc xanh giữa lòng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bài và ảnh: PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN