Đầu xuân, thăm gia đình người Mường làm kinh tế giỏi

Đầu xuân mới, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình người Mường làm kinh tế giỏi ở Thanh Hóa, đó là ia đình người nông dân dân tộc này là Trương Văn Tình.

Đây là à một trong những hộ làm kinh tế giỏi ở thôn Duồng, xã Điền Hạ, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp đồi rừng, kết hợp với vườn ao chuồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của hộ gia đình người Mường này đã trở thành niềm mơ ước của các gia đình khác trong vùng.


                           Ảnh minh họa


Xuất phát điểm là hộ nghèo của thôn, nhờ sự mạnh dạn dám nghĩ dám làm, chịu thương chịu khó, quyết tâm vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, hộ gia đình ông Tình trở thành một trong những gia đình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của huyện Bá Thước.

Là người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm bám lấy ruộng nương để kiếm cái ăn, cái mặc, ông Trương Văn Tình ấp ủ biết bao dự định làm kinh tế để thoát khỏi cái nghèo, cái đói đeo bám. Từ ngày còn là thanh niên, ông Tình đã nghĩ đến việc thoát ly khỏi đồng ruộng, nương rẫy để kiếm một cái nghề ổn định tại một vùng đất phồn hoa đô thị, người nông dân dân tộc Mường này đã cất công đi học nghề rèn, nghề tiện, thợ nề... ;nhưng làm nghề nào cũng chỉ được một thời gian, bởi công việc ngày một khó khăn khiến thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người.

Sau một thời gian thử thách với những công việc khác ngoài đồng ruộng nhưng không thành công, ông Tình quyết định quay lại với ruộng nương, quyết tâm thoát nghèo ngay tại nơi mình đã sinh ra. Quá trình đi làm xa nhà đã giúp ông Tình nhận ra rằng, đồng đất quê mình mới là điểm tựa vững chắc để mình thoát nghèo một cách bền vững.

Sau nhiều đêm trăn trở và bàn với gia đình mình, ông Tình đã vay mượn được một số tiền nhỏ, quyết tâm đầu tư cải tạo 25 ha đồi trồng keo, luồng, ao thả cá để phát triển mô hình vườn ao chuồng rừng. Bắt đầu từ việc chăn nuôi lợn, gà và thả những giống cá truyền thống như mè, trôi, chép... chỉ sau một thời gian ngắn, gia đình ông Tình đã có nguồn thu nhập ổn định từ ruộng nương và ao thả cá.

Có của ăn, của để, gia đình ông Tình đã nghĩ đến việc vươn lên làm giàu chính đáng. Quyết tâm đổi đời của gia đình ông Tình được anh em, họ hàng ủng hộ bằng cách cho vay tiền vốn làm ăn. Với số tiền trên 30 triệu đồng vay mượn được, ông Tình đã quyết định mua thêm cây giống trồng keo, luồng trên tổng diện tích 15 ha, trồng cỏ nuôi bò, trâu và chăn thả cá trên diện tích một mẫu ao.

Ông Tình tâm sự, thời gian đầu tư duy và làm kinh tế trang trại mô hình lớn, gia đình ông gặp không ít những khó khăn. Mặc dù được sự hỗ trợ của đoàn thể, chính quyền địa phương về nguồn vốn, kinh nghiệm sản xuất nhưng gia đình vẫn gặp những rủi ro và không tránh khỏi thất bại, bởi việc mua con giống, cây giống không được như ý, thiếu kỹ năng chăm sóc, chữa bệnh cho trâu, bò khiến gia súc phát triển chậm. Ông Tình còn nhớ, thất bại vào năm 2008 đã khiến cả gia đình suy sụp và không dám nghĩ đến việc tiếp tục theo đuổi mô hình trang trại lớn, phát triển kinh tế gia đình nữa. Vào năm đó, đàn gia súc gồm 9 con bò, một con trâu và toàn bộ lơn, gà của gia đình đã bị chết rét, thêm vào đó nguồn thu từ trồng rừng, chăn thả cá không đáng là bao đã khiến kinh tế của gia đình gần như kiệt quệ. Nhưng nhờ sự đùm bọc, chia sẻ của anh em họ hàng, động viên về tinh thần và giúp đỡ về vật chất, ông Tình quyết tâm làm lại từ đầu.

Ông nhận ra rằng làm việc gì cũng cần có kiến thức cơ bản của nghề đó, ông đã sưu tầm sách, tài liệu, xem những chương trình ti vi, nghe đài để thu thập thông tin liên quan đến việc chăn thả đại gia súc, phát triển kinh tế trang trại vườn đồi. Với tư duy làm đến đâu chắc chắn đến đó, ông Tình bắt đầu bằng việc cải tạo đồng đất trồng cỏ voi để nuôi trâu, bò, dê, quây chuồng trại để nuôi lợn, gà và cải tạo ao để nuôi cá. Sau 5 năm miệt mài làm ăn, hiện gia đình ông Tình đã có nguồn thu nhâp tương đối ổn định từ ruộng nương và chuồng trại. Hiện gia đình ông Tình có 42 con bò, 30 con dê, hàng trăm con gà và hàng chục con lợn. Bên cạnh đó, diện tích 15 ha trồng rừng gồm keo, luồng đã đến thời điểm thu hoạch.

Ông Tình còn cho biết, vào lúc cao điểm số lượng trâu, bò, dê, lợn của gia đình ông gấp đôi, gấp 3 hiện tại. Nhẩm tính nguồn thu từ rừng, ruộng nương, chuồng trại và ao thả cá, ông Tình cho biết, tổng nguồn thu của gia đình ông lên đến trên 200 triệu đồng/năm. Trừ chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình cũng thu lãi gần 100 triệu đồng. Hiện tổng số lao động của gia đình ông Tình gồm 5 người và phải thuê mướn thường xuyên 3 lao động tại địa phương với mức tiền công 2,5 triệu đồng/tháng.

Với những thành công bước đầu, gia đình ông Tình dự định tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình trang trại tổng hợp trong thời gian tới. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn khiến gia đình ông Tình còn trăn trở, bởi hiện đường giao thông vào đến khu vực trang trại của ông Tình cũng như trên địa bàn thôn Duồng vẫn còn nhiều khó khăn, hệ thống điện vẫn chưa đảm bảo được cho việc sản xuất.

Đón Xuân, đón Tết trong ngôi nhà sàn vừa được cất lên còn thơm mùi gỗ mới, ông Tình tự hào cho biết, gia đình đã đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà này. Trong căn nhà đầy đủ tiện nghi gồm có ti vi, tủ lạnh và các vật dụng đắt tiền khác, ông Tình cười vui cho biết, tất cả cũng dành cho việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, phục vụ cho việc thu thập thông tin cần thiết để tích lũy thêm kinh nghiệm làm ăn. Ông Tình còn tự hào cho biết, gia đình có 3 người con thì có 2 người đang theo học đại học tại Hà Nội, sự học của các con chính là nguồn động viên lớn nhất cho gia đình ông Tình quyết tâm vươn trong phát triển kinh tế.

Chào đón năm mới với nhiều niềm vui và bao ấp ủ trong phát triển kinh tế, hy vọng trong năm mới Giáp Ngọ 2014, gia đình ông Tình sẽ gặt hái thêm nhiều thành công trong sự nghiệp trồng cây, trồng người.


Đức Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN