Đắk Lắk cải tạo vườn tạp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, hiện nay trên địa bàn tỉnh, các hộ gia đình đồng bào các dân tộc đã chuyển vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả dài ngày với tổng diện tích trên 9.980 ha, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Cư M’Gar, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ... Tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ đầu tư cải tạo các khu vườn tạp bằng các loại cây ăn quả dài ngày có giá trị kinh tế cao như bơ sáp, sầu riêng cơm vàng hạt lép, chôm chôm, nhãn lồng, vải thiều, mít tố nữ... Nhờ đó, nhiều gia đình đã có thu nhập từ kinh tế vườn mỗi năm tăng thêm hàng chục triệu đồng.

Điển hình như gia đình anh Y Krông Buôn Ýa ở xã vùng sâu Ea Kiết (huyện Cư M’’Gar) đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, phá bỏ trên 6 sào vườn trước đây trồng các loại cây kém hiệu quả kinh tế để chuyển sang trồng cây tiêu, mỗi năm thu nhập thêm được từ 100 triệu đồng trở lên. Anh Y Tám ở thôn Tân Lập, xã Ea Na (huyện Krông Ana) cách đây 4 năm đã chuyển 6 sào đất vườn tạp sang trồng bơ sáp trái vụ, với giống bơ Booth. Hiện nay, với giá thu mua bình quân mỗi kg bơ sáp là 20.000 đồng (thương lái mua tại vườn), mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, anh còn thu được gần 100 triệu đồng. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc ở các huyện Krông Năng, Ea Kar, Krông Ana, Ma Đ’Rắk còn đầu tư cải tạo vườn tạp bằng trồng các giống vải thiều trái vụ cho thu nhập khá cao. Cây vải thiều trồng ở các địa phương này không những cho năng suất cao, mà quả vải còn có cơm dày, ngọt thanh, hạt bé, thị trường tiêu thụ mạnh....

Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2015, đưa diện tích các loại cây ăn quả chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao trong vườn tăng lên trên 14.079 ha, nhằm góp phần tăng thêm thu nhập cho đồng bào các dân tộc.

Quang Huy
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN