Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao

Với đặc thù hơn 50% dân số trên địa bàn là dân tộc Dao (Dao đỏ và Dao tiền), huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) luôn chú trọng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Dao.

Một trong những nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu của người Dao là chữ viết. Chữ viết của người Dao là chữ Hán Dao. Đặc biệt, người Dao còn lưu giữ được nhiều sách cổ và bảo quản khá tốt. Sách của người Dao có thể loại, nội dung phong phú, từ tâm linh, văn hóa, văn nghệ truyền thống, đến các văn bản khế ước hoặc có nội dung như sách giáo khoa… Đặc sắc nhất là văn bản “Lầy nhioàng sâu” có giá trị như khế ước hôn nhân.

Phụ nữ dân tộc Dao tiền thêu thổ cẩm. Ảnh: Công Hải


Người Dao còn chú trọng việc thờ thần thổ công (cúng tậy ông), để cầu cho xóm, làng bình yên, làm ăn phát đạt, tránh được thiên tai, dịch bệnh. Các ngày, tháng trong năm được nghỉ lao động (theo Âm lịch) như: Đầu ngày Dần, ngày Mão trong tháng Giêng; ngày 15 tháng Giêng; 20 tháng Giêng kỵ gió thuận; ngày mùng 1 tháng Hai đắp nọi; ngày 20 tháng Hai kỵ gió thuận…

Trong lễ cưới, trước đây người Dao thách cưới khá cao gây nhiều khó khăn cho người nghèo. Quan niệm của người Dao khi thách cưới cao còn muốn thể hiện giá trị của người con gái và sự biết ơn công dưỡng dục của cha mẹ người con gái. Ngày nay, việc thách cưới đã có phần nhẹ hơn, thực tế với đời sống hơn. Điều đặc biệt nữa liên quan đến đám cưới của người Dao là lễ “Se miền khú” - tức là tách hộ khẩu của người con gái thuộc phần hồn về nhà chồng.

Người Dao còn có lễ “Tẩu sai” - tức là lễ cấp sắc hay lễ trưởng thành cho người con trai khi đủ 18 tuổi, nếu không đến 50 tuổi vẫn được coi là trẻ con, khi chết không được làm ma chôn cất đàng hoàng. Thông qua lễ này, người đàn ông cần phải tuân thủ những nguyên tắc sống, phấn đấu không ngừng để luôn trở thành người đàn ông tốt trong gia đình và cộng đồng xã hội. Những ai được cấp sắc sẽ được tham gia vào các lễ hội tín ngưỡng như: Gọi hồn, mo, cúng.

Tái hiện đám cưới truyền thống của người Dao đỏ. Ảnh: Hà Tuấn


Việc lưu giữ dân ca, dân vũ vẫn được người Dao gìn giữ, phát huy thông qua sinh hoạt cộng đồng như: Tẩu sai, lễ tang… Điệu múa “Bắt ba ba” của người Dao được cộng đồng yêu thích, trân trọng gìn giữ. Trang phục của dân tộc Dao rất đặc sắc và tinh tế, đặc trưng áo dài phụ nữ Dao tiền thiên màu trắng, đen, thêu rất nhiều hoa văn, họ không theo mẫu vẽ sẵn trên vải mà dựa vào trí tưởng tượng, thêu ở mặt trái của vải để hình mẫu nổi lên trên mặt phải của tấm vải. Khác với phụ nữ Dao tiền, trang phục phụ nữ Dao đỏ có màu chủ đạo là đỏ và đen, với hai dải quả bông đỏ trên ngực. Những bộ áo, váy độc đáo của dân tộc Dao đều do bàn tay khéo léo của người phụ nữ làm ra.

Bà Vũ Thị Mai, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) cho biết: Đảng bộ, chính quyền huyện luôn tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; vận động người dân ký quy ước, hương ước xóa bỏ hủ tục trong ma chay, cưới hỏi; xây dựng các đội văn nghệ quần chúng; đồng thời thường xuyên tham mưu với huyện, xã phối hợp tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng với mục đích khuyến khích người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, như: Thường xuyên mặc trang phục truyền thống trong đời sống hàng ngày, tham gia sáng tác, biểu diễn các ca khúc truyền thống của dân tộc, lưu giữ nghề dệt vải, nhuộm chàm, thêu thổ cẩm, chạm bạc…

Để bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Nguyên Bình (Cao Bằng) cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, nhất là phát huy được vai trò của chính người dân có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Công Hải
Bầu Chủ tịch HĐND và UBND tỉnh Cao Bằng

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016 với 49/50 phiếu bầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN