Kinh tế Đà Nẵng chuyển dịch mạnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp

Cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng sau hợp nhất đang thể hiện đặc điểm của một vùng đô thị công nghiệp - dịch vụ phát triển, có tính liên kết cao, với dịch vụ đóng vai trò chủ đạo, công nghiệp làm nền tảng và nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo hướng công nghệ cao và sinh thái.

Chú thích ảnh
Thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Theo Chi cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, quy mô GRDP (tăng trưởng tổng sản phẩm) theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm 2025 của Đà Nẵng đạt 148,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thành phố Đà Nẵng (cũ) đóng góp khoảng 81,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,6%; Quảng Nam đóng góp khoảng 67,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 45,4%.

Tỷ trọng GRDP cho thấy, Đà Nẵng đang giữ vai trò trung tâm kinh tế chủ lực, với thế mạnh vượt trội ở các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin và logistics. Trong khi đó, Quảng Nam, dù có tốc độ tăng trưởng thấp hơn trong kỳ nhưng vẫn giữ vai trò nền tảng về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và cung ứng lao động.

Sự chênh lệch về quy mô GRDP giữa hai địa bàn phản ánh sự chuyển dịch trọng tâm kinh tế về phía đô thị trung tâm, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh tính liên kết và bổ trợ vùng giữa hai nơi. Việc phát huy đồng bộ lợi thế của cả hai sẽ là điều kiện then chốt để Đà Nẵng mới thực sự trở thành cực tăng trưởng bền vững của miền Trung trong giai đoạn tới. Xét trên phạm vi toàn quốc, quy mô GRDP 6 tháng đầu năm 2025 của thành phố Đà Nẵng (mới) chiếm 2,5% GDP cả nước và xếp thứ 11/34 tỉnh, thành phố sau hợp nhất.

Chú thích ảnh
Cảng quốc tế Chu Lai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Trong quy mô nền kinh tế, cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng (mới) trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy xu hướng dịch chuyển mạnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp, với khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 55,68% trong tổng GRDP.

Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò trung tâm dịch vụ, du lịch, giáo dục và logistics của khu vực, đặc biệt với sự dẫn dắt từ thành phố Đà Nẵng (cũ) được cho là đầu tàu tăng trưởng vùng. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,6%, phản ánh vai trò nền tảng của Quảng Nam (cũ) trong sản xuất, đặc biệt tại các khu công nghiệp như Chu Lai, Tam Thăng và các cụm công nghiệp ven đô Đà Nẵng - Quảng Nam, cùng với đó là sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng của Đà Nẵng (cũ).

Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,68%, cho thấy lĩnh vực này vẫn đóng vai trò nhất định, đặc biệt ở vùng ven và nông thôn Quảng Nam, mặc dù không giữ vai trò chính trong cơ cấu kinh tế. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,04%, góp phần đáng kể vào quy mô nền kinh tế, đồng thời phản ánh hoạt động tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh sôi động trong khu vực.

Phân tích sâu về lĩnh vực thương mại, dịch vụ, Chi cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc hợp nhất hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam để hình thành thành phố Đà Nẵng mới sẽ tạo ra một không gian phát triển rộng lớn hơn, góp phần tạo động lực tăng trưởng cho khu vực dịch vụ nhờ vào sự hội tụ giữa hạ tầng đô thị hiện đại và nguồn tài nguyên du lịch, đất đai, nhân lực dồi dào từ Quảng Nam.

Chú thích ảnh
Thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Trong 6 tháng đầu năm 2025, khu vực dịch vụ của thành phố Đà Nẵng (mới) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 10,37%, cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ và xu hướng mở rộng hoạt động kinh tế sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và biến động kinh tế.

Trong đó, nhiều ngành dịch vụ chủ chốt đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội, phản ánh sự sôi động trở lại của khu vực kinh tế dịch vụ. Đóng góp vào mức tăng chung của cả khu vực dịch vụ phải kể đến sự tăng trưởng vượt trội của một số lĩnh vực như: ngành lưu trú và ăn uống tăng mạnh tới 17,15%, cho thấy ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi hạ tầng và liên kết vùng giữa Đà Nẵng - Quảng Nam ngày càng hoàn thiện.

Tương tự, các ngành có tính chất dịch vụ và tiêu dùng khác cũng đạt mức tăng cao như: kinh doanh bất động sản tăng 15,93%; hoạt động hành chính và hỗ trợ tăng 15,31%; dịch vụ khác tăng 14,26%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 11,24%. Những con số này cho thấy sự phục hồi toàn diện trong các hoạt động gắn với tiêu dùng, du lịch, đầu tư và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Trong khi đó, các lĩnh vực truyền thống như bán buôn, bán lẻ tăng 9,26% và vận tải, kho bãi tăng 10,19% cũng đạt mức tăng trưởng tích cực, phản ánh sự sôi động trở lại của thị trường tiêu dùng và logistics, đặc biệt trong bối cảnh khu vực này đang đẩy mạnh liên kết vùng, mở rộng thị trường.

Các ngành có tính ổn định cao như: hoạt động thông tin và truyền thông (+7,05%); tài chính, ngân hàng và 5 bảo hiểm (+5,7%); hoạt động chuyên môn, khoa học và kỹ thuật (+6,03%); giáo dục và đào tạo (+10,05%) tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực phát triển bền vững và chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực.

Nhìn chung, sự tăng trưởng đồng đều và tích cực ở hầu hết các nhóm ngành cho thấy khu vực dịch vụ đang trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố Đà Nẵng mới, đồng thời khẳng định tiềm năng trở thành trung tâm dịch vụ lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian tới.

Anh Dũng (TTXVN)
Du lịch Việt Nam: Để kinh tế đêm thêm 'tỏa sáng'
Du lịch Việt Nam: Để kinh tế đêm thêm 'tỏa sáng'

Các hoạt động vui chơi, giải trí, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thưởng thức ẩm thực... diễn ra từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau được gọi chung là kinh tế đêm, góp phần quan trọng tăng doanh thu, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch, dịch vụ ở nhiều địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN