Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết và Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung cùng chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, trong 10 năm qua, Nghị quyết số 25-NQ/TW đã được thành phố triển khai hiệu quả ở các cấp, ngành và địa phương, cơ sở, từng bước tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức vai trò, vị trí công tác dân vận. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về công tác dân vận từ thành phố đến cơ sở chuyển biến rõ, công tác dân vận được quan tâm. Nội dung công tác dân vận và trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, đơn vị được xác định rõ, gắn với nhiệm vụ chính trị, thể hiện bằng kế hoạch, chương trình cụ thể.
Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành 3 Đề án, 2 Chỉ thị, 4 Quyết định, một Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, là những văn bản trọng tâm để thực hiện công tác dân vận. Từ năm 2013 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã tiến hành 2 cuộc kiểm tra, 3 cuộc giám sát đối với 8 tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong việc thể chế hóa và triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận. Toàn thành phố có 678 mô hình “Dân vận khéo” được công nhận; trong 10 năm qua, UBND thành phố đã tặng Bằng khen cho 82 tập thể, 53 cá nhân tiêu biểu về “Dân vận khéo”. Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề cho 1.200 Bí thư Chi bộ khu dân cư trên địa bàn, qua đó, tạo sự ủng hộ của các cán bộ, đảng viên ở khu dân cư, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh từ cơ sở…
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc như: Nhận thức về dân vận và công tác dân vận trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế, còn tư tưởng cho rằng đó là nhiệm vụ của cơ quan Dân vận, của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, chưa thấy công tác dân vận là nhiệm vụ của mọi cán bộ, đảng viên, của cả hệ thống chính trị. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền còn coi nhẹ công tác dân vận. Công tác tham mưu của Ban Dân vận các cấp chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng, Dương Đình Liễu, trong 10 năm qua, Mặt trận các cấp đã tổ chức tốt các cuộc vận động nhằm phát huy sức mạnh toàn dân. Đáng chú ý, nhân dân đã đóng góp hơn 147 tỷ đồng vào Quỹ “Vì người nghèo” thành phố, Mặt trận các cấp hỗ trợ xây dựng 694 căn nhà và sửa chữa 1.824 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Trong các năm 2020, 2021, Mặt trận các cấp thành phố đã tiếp nhận nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch hơn 133 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã phân bổ, mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch và người dân thành phố.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, ông Dương Đình Liễu kiến nghị, thành phố Đà Nẵng cần có chính sách chăm lo cho cán bộ Mặt trận không chuyên trách làm công tác vận động quần chúng ở cơ sở, địa bàn dân cư; huy động người có uy tín tham gia công tác tự quản cộng đồng...
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đánh giá cao những thành quả trong công tác dân vận mà các cấp chính quyền, đoàn thể thành phố đã đạt được. Ông cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng công tác dân vận; nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác này. Các cơ quan chức năng và địa phương tập trung giải quyết kịp thời những bức xúc chính đáng, đơn thư khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, làm tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội sẽ hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện trong nhân dân. Đà Nẵng được mệnh danh là “thành phố đáng sống” không chỉ vì môi trường, cảnh đẹp, con người mà vì có sự chăm lo về an sinh xã hội. Thời gian qua, nhiều cách làm hay, tấm gương điển hình về công tác dân vận đã giúp nhân dân thêm hiểu, tin tưởng cùng hệ thống chính trị vượt qua những thời điểm khó khăn của thành phố...