Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định, đây là trận ngập lụt lịch sử của thành phố Đà Nẵng, làm rối loạn hệ thống giao thông, gây ngập lụt các khu dân cư; đặc biệt dòng chảy rất xiết gây khó khăn cho việc cứu hộ, cứu nạn.
Ông Nguyễn Văn Quảng biểu dương lực lượng quân đội, công an, biên phòng và các lực lượng cơ sở đã chủ động, kịp thời ứng cứu người dân trong vùng ngập lụt…
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các đơn vị chức năng, địa phương tiếp tục cập nhật nội dung báo cáo đầy đủ chính xác các thiệt hại về người, hạ tầng và sản xuất. Ban Chỉ huy Phòng, Chống lụt bão, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố cần rút bài học kinh nghiệm trong công tác dự báo, đánh giá về nguy cơ ngập lụt; công tác thông tin, tiếp nhận và xử lý thông tin; điều động phương tiện và phương án phối hợp giữa các lực lượng…
Đặc biệt, các sở ban, ngành, địa phương khẩn trương triển khai xử lý khơi thông đường thoát nước tại những nơi còn ngập lụt như quận Liên chiểu, huyện Hòa Vang và một số tuyến đường trong thành phố; khắc phục những điểm bị sạt lở như huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà; Sở Xây dựng khẩn trương có phương án bơm nước ra ở các hầm chui…
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng chỉ đạo các ban ngành, địa phương tập trung huy động lực lượng tổng dọn vệ sinh ở khu dân cư; đảm bảo lương thực, nước sạch cho người dân nơi bị ngập lụt, nhất là những nơi đang bị ngập; tổ chức thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại.
Sở Y tế kịp thời thông tin tuyên truyền cho người dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh sau ngập lụt, sẵn sàng phương án sơ cấp cứu; Sở Giao thông Vận tải khẩn trương kiểm tra các tuyến đường để cứu hộ, kéo các xe ô tô chết máy vào lề đường…
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 5 (bão SONCA), tính đến 7 giờ, ngày 15/10, Đà Nẵng có 1 người tử vong do đuối nước.
Ngoài ra, có 7,5ha rau màu vùng rau La Hường (quận Cẩm Lệ) bị ngập trong nước; Hồ Hố Dư bị sạt lở; cống thoát nước đường Lê Văn Lương (quận Sơn Trà) ra biển gần Miếu Đôi bị sụp thành hố sâu; xảy ra nhiều điểm sạt lở ở quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang; một số khu vực còn mất điện như quận Sơn Trà, Thanh khê, Hải Châu, Hòa Vang; nhiều tầng hầm tại các công trình khách sạn, nhà dân bị ngập; các phương tiện giao thông xe máy, ô tô hư hỏng nặng do ngập trong nước; nhiều tài sản của ngươi dân bị mất hoăc hư hỏng do không kịp di dời…
Về công tác khắc phục thiệt hại, quận Liên Chiểu đã chỉ đạo Quận đội huy động xe đặc chủng và xe xúc chuyên dụng để tiếp cận hỗ trợ các phường, ứng cứu những khu vực ngập sâu, sơ tán khoảng 100 hộ dân đến nơi an toàn; quận Sơn Trà sơ tán 28 hộ với 114 người, trong đó 3 người cấp cứu tại Trung tâm Y tế quận, 1 phụ nữ có thai được di chuyển an toàn đến UBND phường Thọ Quang; quận Thanh Khê sơ tán 30 người tại khu vực Khe Cạn lên trường Lê Văn Tám; quận Cẩm Lệ di dời khoảng 345 người tới nơi an toàn, 8 trường hợp người dân đi đường bị nước cuốn đã được cứu hộ kịp thời; huyện Hòa Vang đã di dời 382 hộ/1.440 khẩu. Trong đó, xã Hòa Bắc đã đưa người làm rừng xuống nơi an toàn (khoảng 58 người), điều ca nô đặc chủng cứu nạn người dân ở khu vực Túy Loan.
Trướcc đó, trưa ngày 14/10 áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 5 (SONCA) và tối cùng ngày đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, trên địa bàn thành phố từ ngày 13 đến ngày 14/10 đã có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 400-700mm, cao nhất tại Sơn Trà 775 mm. Thời điểm mưa lớn nhất từ 19-21 giờ ngày 14/10.
Dự báo từ hôm nay 15/10 đến 16/10 trên địa bàn thành phố tiếp tục có mưa phổ biến 80-150mm, có nơi trên 220mm. Trên sông Vu Gia và các sông thuộc thành phố Đà Nẵng tiếp tục xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động 3 đến trên báo động 3. Các sông tại thành phố Đà Nẵng ở mức báo động 2 đến trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông và khu đô thị tại khu vực thành phố Đà Nẵng.