Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 4,99% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 1,05% so với 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế thành phố đang dần khôi phục và thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020.
Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho rằng, mặc dù Đà Nẵng đang phải đối mặt với dịch COVID-19, với các biến chủng mới có nguy cơ lây lan nhanh, quy mô và tính phức tạp cao hơn hai đợt dịch trước, nhưng kết quả tăng trưởng trong 6 tháng qua cho thấy sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đã phát huy hiệu quả tích cực.
Trong mức tăng của toàn nền kinh tế trên địa bàn, khu vực dịch vụ ước tăng 5,34%, là trụ đỡ chính góp phần vực dậy nền kinh tế, đóng góp 3,51 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng cũng đang dần lấy lại đà tăng trưởng với mức tăng 2,85%, đóng góp 0,60 điểm phần trăm; thuế sản phẩm, sau mức giảm mạnh ở 6 tháng cuối năm 2020 do các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ nhằm giúp các doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đợt dịch lần 2, đã có dấu hiệu tăng khá trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 7,99%, đóng góp 0,88 điểm phần trăm. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,08% so với cùng kỳ.
Quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 52.857 tỷ đồng. Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,62%; khu vực dịch vụ chiếm 66,01%; thuế sản phẩm chiếm 11%. Nhìn chung, cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm giai đoạn 2019-2021 có sự dịch chuyển nhẹ giữa 3 khu vực với xu hướng khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục thu hẹp tỷ trọng; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng mở rộng.
Mặc dù kinh tế đã được phục hồi nhưng với tốc độ tăng 4,99% trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng vẫn còn khá chậm so với các thành phố lớn. Nếu xét trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thành phố Đà Nẵng xếp thứ 4 về tốc độ tăng và quy mô GRDP tiếp tục dẫn đầu trong vùng. Xét trên phạm vi cả nước, quy mô GRDP của Đà Nẵng chiếm hơn 1,3% trên tổng GDP và tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 16 trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm của Đà Nẵng không đạt như kỳ vọng, tình trạng bội chi ngân sách vẫn chưa thể chấm dứt. Tuy nhiên, chi ngân sách nhà nước tiếp tục ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên chủ yếu tập trung vào đảm bảo quốc phòng, an ninh và các nhu cầu về an sinh xã hội.
Trong số đó, tổng thu ngân sách nhà nước sơ bộ tính đến ngày 20/6 đạt 10.700 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, thu nội địa đạt 8.359 tỷ đồng, giảm 14,9%; thu cân đối xuất, nhập khẩu đạt 2.144 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước tính đến ngày 20/6 đạt 15.177 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số đó, chi thường xuyên đạt 7.731 tỷ đồng, giảm 8,3%; chi đầu tư phát triển đạt 7.438 tỷ đồng, tăng 35,9%.
Về vấn đề xã hội, tình trạng lao động, việc làm 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn tiếp diễn do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Theo kết quả sơ bộ điều tra lao động - việc làm, tỷ lệ thất nghiệp chung toàn thành phố Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2021 là 7,27%; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 8,06%.
Kết quả triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, tính đến cuối tháng 6 năm 2021, Đà Nẵng đã chi hỗ trợ cho 326.141 lượt đối tượng, kinh phí hơn 501,7 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ưu tiên cho đối tượng người lao động bị mất việc, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội…
Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng nhận định, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang còn diễn biến phức tạp với các biến thể mới, lây lan nhanh, đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Do đó, kinh tế thành phố Đà Nẵng trong những tháng tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng trên 6% theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 là một thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Trước mắt, Đà Nẵng cần tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ trong kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện các giải pháp giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận hiệu quả các gói hỗ trợ, đồng thời tập trung một số nội dung trọng tâm như: triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo hướng bền vững; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, nắm bắt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngân hàng; các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai quyết liệt, mạnh mẽ các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Thông tư 03/2001/TTNHNN...