Trận đội tuyển Anh thắng đối thủ Iran tối 21/11 (giờ Việt Nam) được xem là lập kỷ lục về thời gian bù giờ tại World Cup 2022 và có lẽ bù giờ nhiều nhất trong lịch sử các trận bóng đá từ trước đến nay với thời gian gần bằng thi đấu thêm 2 hiệp phụ.
Trong đó, sau hiệp 1 được bù giờ đến 14 phút vì một phần liên quan sự cố thủ môn Alireza Beiranvand (Iran) bị chấn thương ở vùng mặt phải liên tục nằm sân để các bác sĩ chăm sóc. Nhưng ở cuối trận khi “Tam sư” đã dẫn đến 6-1 thì trọng tài vẫn cho bù giờ 10 phút nữa và đến tận phút 90+13 mới thổi còi kết thúc trận đấu.
Nguyên do trận đấu này được bù giờ nhiều dù trong hiệp 2 không xảy ra thêm sự cố cầu thủ chấn thương nằm sân kéo dài là vì trận đấu có thêm đến 5 bàn thắng (3 cho tuyển Anh và 2 cho Iran) với mỗi lần cầu thủ ăn mừng bàn thắng mất từ 1-2 phút đến khi trận đấu trở lại, nên thời gian bù giờ đã được cộng đến 10 phút bù lại khoảng thời gian này.
Tương tự, hai trận đấu giữa Senegal - Hà Lan và Mỹ - Xứ Wales cũng đều có thêm 11 phút bù giờ cuối trận. Trận đấu giữa Argentina và Saudi Arabia cũng có thêm gần 14 phút bù giờ.
Việc bù giờ nhiều tại World Cup 2022 để tránh thời gian lãng phí. Chỉ sau 4 trận nhưng đã có tới 3 bàn được ghi từ phút 90 trở đi gồm bàn thắng của Klaassen ở phút 90+9 (trận Hà Lan thắng Senegal 2-0); Grealish ghi bàn phút 90 và Taremi làm tung lưới đối phương phút 90+13 (trận Anh thắng Iran 6-2).
Tuy nhiên, việc bù giờ cũng vấp phải sự tranh cãi, chẳng hạn như trường hợp ở trận Anh thắng Iran khi kết quả từ phút 90 dường như đã ngã ngũ với tỷ số tới 6-1 nên 2 đội chỉ thi đấu gần như thủ tục cho hết trận. Trong khi đó, đa số ủng hộ vì cho rằng điều này giúp các trận kịch tính sẽ hấp dẫn hơn ở những phút bù giờ sau khi có đội tính toán câu giờ và tìm cách lãng phí thời gian thực trên sân.