Sự thống trị của bóng rổ Philippines được thể hiện rõ rệt nhất ở môn bóng rổ nam 5x5 khi đội tuyển quốc gia nước này đã giành tới 18 trên tổng số 20 Huy chương Vàng (HCV). Hai lần hiếm hoi Philippines không giành HCV ở nội dung này là 1979 và 1989 (đều thua Malaysia ở chung kết).
Trong thời kỳ thuộc địa của Mỹ, bóng rổ được du nhập vào Philippines thông qua Hiệp hội Bóng rổ Thanh niên (YMCA) và hệ thống trường học. Vào năm 1910, bóng rổ ban đầu là một môn thể thao dành cho phụ nữ và được chơi trong các cuộc giao lưu liên trường từ năm 1911 đến năm 1913. Nhưng vào thời điểm ấy, những nữ cầu thủ bóng rổ đã bị các hội đồng bảo thủ và nhà thờ Công giáo chất vấn vì trang phục họ mặc - những chiếc váy mặc bên ngoài quần ống rộng - bị coi là "quá táo bạo". Sự can thiệp này dẫn đến việc sụt giảm các các cầu thủ bóng rổ nữ ở Phillipines. Điều này cũng lý giải tại sao bóng rổ nữ Philippines không thể thống trị khu vực như những đồng nghiệp nam.
Chức vô địch đầu tiên của đội tuyển bóng rổ nam Philippines là khi họ đăng quang ở Đại hội Thể thao Viễn Đông 1913. Trong những năm sau đó, người Philippines bị ám ảnh bởi môn thể thao này, dẫn đến việc thành lập Hiệp hội vận động viên (VĐV) cao đẳng quốc gia (NCAA) vào năm 1924, và lấy bóng rổ làm môn thể thao chính thức.
Năm 1936, Philippines trở thành thành viên của Liên đoàn bóng rổ quốc tế (FIBA). Cùng năm ấy, họ ra mắt ở đấu trường Olympic và giành được vị trí thứ 5. Cho đến thời điểm này, đó vẫn là thành tích tốt nhất của một đội tuyển châu Á ở đấu trường Thế vận hội.
Những kỳ tích của đội tuyển bóng rổ Phillippines vẫn tiếp diễn khi họ thống trị Á vận hội từ năm 1951 đến 1962. Họ còn được trao quyền đăng cai FIBA World Championship lần thứ 3, nhưng bị đình chỉ do Tổng thống thời bấy giờ là ông Diosdado Macapagal từ chối cấp thị thực cho các VĐV đến từ các nước xã hội chủ nghĩa.
Năm 1938, Hiệp hội VĐV Đại học Philippines (UAAP), bao gồm 8 trường đại học ở Metro Manila được thành lập. Hiệp hội bóng rổ Philippines (PBA) cũng là hiệp hội đầu tiên của châu Á khi được thành lập năm 1975, và nếu xét về độ lâu đời trên bình diện thế giới thì họ chỉ thua mỗi giải nhà nghề NBA của Mỹ.
Bóng rổ Philippines đã sản sinh ra nhiều cầu thủ giỏi. Cựu huấn luyện viên trưởng và là thượng nghị sĩ Robert Jaworski là một minh chứng, với 23 mùa giải thi đấu tại PBA. Ramon Fernandez là kỷ lục gia về điểm số ghi được tại PBA (18.996 điểm), bên cạnh những kỷ lục về ném phạt, rebound, và cản phá. Cũng không thể không nhắc đến Bogs Adorno, từng 3 lần nhận giải "Cầu thủ xuất sắc PBA".
Một gương mặt rất đáng chú ý trong lich sử bóng rổ Philippines là Alvin Patrimonio, người có biệt danh là Người sắt” (Iron Man) nhờ thi đấu 596 trận đấu liên tiếp trong sự nghiệp. Ở thời kỳ sau này là sự xuất hiện của Benjie Parass - biệt danh "Tòa tháp quyền lực" - và Johny Abarrientos - với biệt danh “The Flying A”, vì anh có thể ghi được những điểm số không tưởng, dù thể hình thấp bé (chỉ cao 1m70).
Cho tới thời điểm này, những câu trả lời cho câu hỏi "Vì sao người Philippines yêu bóng rổ?" chỉ mang tính tương đối. Nhưng trong cuốn "Rooting for the Underdog: Spectatorship and Subalternity in Philippine Basketball", tác giả Lou Antolihao cho rằng người Phillippines tin rằng đây là cách duy nhất để họ đánh bại những quốc gia lớn hơn.
“Nói chung, trong khi cổ vũ đội bóng yếu hơn, các cầu thủ bóng rổ Philippines không chỉ cổ vũ cho đội bóng yêu thích của họ mà còn cho chính họ và nhiều đội bóng dưới cơ khác bên ngoài sân thi đấu”, Antolihao nhận định, “Sự phổ biến của bóng rổ ở Philippines phần nào phụ thuộc vào sự phát triển của môn thể thao này từ những tầng lớp thấp trong xã hội”.
Theo nhiều chuyên gia, khả năng tiếp cận, yếu tố giải trí và tốc độ chính là lý do tại sao mà bóng rổ tỏ ra phù hợp nhất với nền văn hóa của người Philippines, dù thể hình không hẳn là thế mạnh của dân tộc này. Bóng rổ đòi hỏi ít không gian, không cần bảo trì, không dụng cụ đắt tiền và không yêu cầu số lượng người chơi cần thiết. Đây là yếu tố dễ tiếp cận và nó khiến cho bóng rổ dễ dàng được người Philippines chấp nhận.