Thực tế, không ít lần tượng đài lại trở thành đề tài chế giễu, gây tranh cãi và dấy lên câu hỏi: Điều gì khiến một tác phẩm tưởng chừng như vĩ đại lại trở thành thảm họa?
Chắc hẳn, nhiều người vẫn chưa thể quên bức tượng bán thân của Cristiano Ronaldo, ra mắt năm 2017. Với gương mặt tròn trĩnh và nụ cười gượng gạo, bức tượng này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh nam tính của siêu sao người Bồ Đào Nha. Hay như bức tượng Mohamed Salah năm 2018, khiến người xem phải bật cười vì chiếc đầu quá khổ, làm giảm đi thần thái vốn có của ngôi sao bóng đá này. Gần đây, tượng Harry Kane cũng gặp phải sự so sánh hài hước, khi nhiều người cho rằng nó giống một nhân vật hoạt hình, trong khi tác phẩm mô phỏng Dwyane Wade lại bị nhận xét giống với diễn viên Laurence Fishburne hơn là huyền thoại bóng rổ.
Những bức tượng này đã làm dấy lên câu hỏi về việc vì sao một tác phẩm nghệ thuật lại có thể sai lầm đến vậy. Ngay cả những vận động viên nổi tiếng như Andy Murray cũng từng châm biếm về bức tượng đất nung của mình tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào năm 2011, khi cho rằng “Tôi nghĩ mình đẹp trai hơn thế này nhiều!”.
Nghệ thuật điêu khắc hiện đại thường gắn liền với một tiêu chuẩn khắt khe: chính xác và giống như thật. Bà Lucy Branch - một chuyên gia bảo tồn tượng tại London (Anh) - cho rằng áp lực hiện đại khiến các nghệ sĩ buộc phải tạo ra những “bản sao hoàn hảo” của nhân vật được tôn vinh. Tuy nhiên, đây là một khái niệm mới mẻ và không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt. Trái ngược với trước kia, khi các nhà điêu khắc đôi khi thậm chí còn tái chế tượng cũ bằng cách thay bảng tên để tạo ra một tác phẩm mới.
Theo nghệ sĩ Hywel Pratley, việc tạo ra một bức tượng thành công là kết quả của hàng nghìn quyết định nhỏ, dựa trên những quan sát tỉ mỉ và tinh tế. Không chỉ là việc sao chép hình dáng, mà là khắc họa được “hồn” của nhân vật. Nhà điêu khắc Steve Winterburn cũng cho rằng: “Tượng không phải chỉ để trông giống như thật, mà còn cần phải có hồn - yếu tố làm nên sức sống của nghệ thuật”.
Vậy làm thế nào để tránh những sai lầm chết người trong nghệ thuật điêu khắc? Các nghệ sĩ có những bí quyết riêng. Trong số này, nghiên cứu kỹ lưỡng là điều kiện tiên quyết. Nghệ sĩ Pratley đã dành hàng tháng để nghiên cứu hàng nghìn hình ảnh của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, nhằm tạo ra một bức tượng không chỉ giống mà còn thể hiện được đúng tinh thần của nhân vật.
Hạn chế khắc họa nụ cười. Đây là một “điểm chết” trong nhiều bức tượng. Từ nụ cười gượng của Ronaldo đến hàm răng lộ ra của Salah hay Wade, tất cả đều bị chỉ trích. Nghệ sĩ Pratley thừa nhận: “Điêu khắc răng đẹp là một thử thách khủng khiếp”.
Chú trọng đến chi tiết đôi mắt và khuôn miệng. Theo nhà điêu khắc Winterburn, đôi mắt là linh hồn của bức tượng. Còn nghệ sĩ Pratley tin rằng những chuyển động tinh tế quanh mũi và miệng mới là nét tinh túy của con người, giúp tượng sống động hơn.
Truyền thống đặt tượng đài lên bục cao không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh mà còn giúp che giấu những khuyết điểm của tác phẩm. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, xu hướng đặt tượng ở tầm thấp hơn khiến tác phẩm phải đối mặt với sự soi xét kỹ lưỡng từ công chúng. Việc tham khảo ý kiến cộng đồng trước khi dựng tượng là rất cần thiết. Thành công của bức tượng Emmeline Pankhurst tại Manchester (Anh) là một ví dụ rõ ràng, khi việc quyết định thiết kế của bức tượng này được thực hiện thông qua bỏ phiếu trực tuyến.