Trong đó, có Huy chương Vàng nội dung Đồng đội nam và 2 huy chương (Bạc và Đồng) cho 2 vận động viên ở nội dung Toàn năng. Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực, khổ công tập luyện của các vận động viên thể dục dụng cụ nam và làm thỏa lòng mong đợi của ban huấn luyện cũng như cổ động viên nước nhà.
Đồng đội là điểm tựa tinh thần
Huấn luyện viên đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam Trương Minh Sang nhận xét, Đội tuyển nam đã có một ngày thi đấu với tâm lý thoải mái và thể hiện rất tốt. Hai vận động viên trẻ, tài năng là Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành chơi xuất sắc với vai trò là điểm tựa tinh thần cho các đàn em trong đội.
Huấn luyện viên Trương Minh Sang cũng cho biết, lần SEA Games 31, đội tuyển Philippines là đối thủ nặng ký của Việt Nam khi họ sở hữu vận động viên từng đoạt Huy chương Vàng quốc tế môn thể dục dụng cụ. Tuy nhiên, kết quả thi đấu của đội tuyển Philippines trong sáng 13/5 đã giúp thầy trò chúng tôi tự tin hơn và biết phải làm gì khi thi đấu buổi chiều".
Ngay cả lần tiếp đất chạm mông xuống đệm trong bài nhảy chống của vận động viên Lê Thanh Tùng cũng không làm các đồng đội mất tinh thần. Với sự đoàn kết, đồng lòng của các vận động viên cũng như tâm lý thoải mái và niềm vui nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của cổ động viên Việt Nam, các chàng trai Thể dục dụng cụ đã hoàn thành xuất sắc các phần thi cá nhân và mang về Huy chương Vàng nội dung Đồng đội.
Niềm vui vỡ òa, các thành viên đội tuyển đã cùng nhau cầm quốc kỳ Việt Nam, chạy quanh sân để thể hiện niềm vui chiến thắng cũng như cảm ơn ban huấn luyện, tổ trọng tài và đông đảo khán giả trên sân Thể thao Tổng hợp Quần Ngựa (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội).
Sung sướng khi có mẹ và em gái đến xem thi đấu, vận động viên Lê Thanh Tùng vô cùng xúc động, nụ cười rạng ngời không rời khỏi gương mặt điển trai của anh. Lê Thành Tùng chia sẻ: Mỗi kỳ thi đấu hoàn toàn không giống nhau, năm 2019, em đã không may mắn, không mang được huy chương về cho Việt Nam. Năm nay, em và các đồng đội đã có một ngày thi đấu tuyệt vời và tấm Huy chương Vàng Đồng đội là phần thưởng danh giá dành cho nỗ lực của chúng em và ban huấn luyện. Tùng cũng vui mừng chia sẻ và chụp những bức ảnh kỷ niệm bên mẹ và em gái để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời vận động viên.
Môn thể thao nghệ thuật
Thể dục dụng cụ là môn thể thao liên quan đến thực hiện các bài tập đòi hỏi thể lực, tính linh hoạt, nhanh nhẹn, sự phối hợp, cân bằng, uyển chuyển và niềm đam mê thể thao. Tại SEA Games 31, vận động viên của các quốc gia sẽ tham gia thi đấu 14 nội dung (trong đó có 8 nội dung của nam, 6 nội dung của nữ).
Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam tham dự đại hội với 20 thành viên, trong đó có 12 vận động viên. Các vận động viên nam gồm: Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Văn Khánh Phong, Trịnh Hải Khang, Đặng Ngọc Xuân Thiện, Văn Vĩ Lương. Các vận động viên nữ là Trần Đoàn Quỳnh Nam, Đỗ Thị Ngọc Hương, Trương Khánh Vân, Nguyễn Thị Quỳnh Như, Phạm Như Phương, Lâm Như Quỳnh.
Huấn luyện viên Thể dục dụng cụ Trương Tuấn Hiển chia sẻ, môn thể thao này tuyển chọn vận động viên rất khó khăn. Nhiều khi tuyển cả trăm học sinh mà không chọn được vận động viên có tiềm năng. Để xác định được một vận động viên có tố chất phù hợp với Thể dục dụng cụ, đôi khi phải sử dụng máy đo xương để phân tích các chỉ số sinh học, làm căn cứ để tuyển chọn vận động viên. Thậm chí, các huấn luyện viên phải quan sát thể hình của cả bố mẹ vận động viên để đảm bảo đến tuổi trưởng thành, các em vẫn có ngoại hình, thể lực phù hợp với các nội dung của môn thể thao đòi hỏi nhiều yếu tố nghệ thuật này. Các vận động viên Thể dục dụng cụ thường được lựa chọn để luyện tập chuyên nghiệp từ lúc 5-6 tuổi, lứa tuổi còn rất nhỏ để có thể chịu được các nỗi đau khi tập luyện cũng như các áp lực với độ khó tăng dần của các dụng cụ luyện tập.
"Để giúp các em vượt qua giai đoạn này, các huấn luyện viên phải như những người cha, người mẹ thứ 2 của các em để sẵn sàng chia sẻ, động viên, khích lệ trong thời gian khoảng 10-20 năm", Huấn luyện viên Trương Tuấn Hiển cho biết thêm.
Ngồi trên khán đài theo dõi các anh thi đấu, em Lê Vũ Nhật Hạ (quê Hải Phòng) cảm thấy rất xúc động, tự hào. Mới 13 tuổi nhưng Vũ Nhật Hạ đã có 7 năm "đổ mồ hôi và nước mắt" trên sàn tập thể dục dụng cụ và 2 năm rời xa gia đình để tập luyện chuyên nghiệp tại Trung tâm thể thao quốc gia Nhổn (Hà Nội). Nhật Hạ là một vận động viên rất có tiềm năng của Thể dục dụng cụ Việt Nam khi đang sở hữu bộ sưu tập Huy chương Vàng, Bạc, Đồng của nhiều giải thi đấu trong nước. Trong đó, danh giá nhất là Huy chương Vàng tại Giải vô địch Thể dục dụng cụ toàn quốc dành cho lứa tuổi 11-12.
"Nhưng để có được sự vinh danh đó, hầu hết các buổi tập của em ngoài mồ hôi đều có nước mắt", Vũ Nhật Hạ cho biết. Việc được xem các vận động viên đàn anh, đàn chị thi đấu ở giải đấu lớn nhất khu vực là sự động viên khích lệ Hạ sẽ nỗ lực theo bám môn thể thao nghệ thuật này. "Em cũng muốn một ngày nào đó được tham dự SEA Games, sở hữu tấm huy chương Vàng giải đấu lớn khu vực SEA Games như các anh, chị lớp trên hiện nay" Hạ chia sẻ.
Ngắm nhìn các vận động viên thể hiện các nội dung thi đấu một cách tự tin, vững vàng, vận động viên Phạm Phước Hưng (cựu vận động viên Thể dục dụng cụ quốc gia) rất vui mừng khi thấy khả năng, trình độ của lớp vận động viên sau cao hơn mình. Phước Hưng chúc các đàn em thi đấu tốt nhất và giành nhiều nhất huy chương về cho thể thao Việt Nam trong những ngày tiếp theo.
Trên sân Thể thao Tổng hợp Quần Ngựa, sáng 13/5 không đông cổ động viên như buổi chiều. Một phần vì hôm nay là ngày khởi tranh môn thi Thể dục dụng cụ, một phần vì đội tuyển Việt Nam tham gia thi đấu vào buổi chiều. Do đó, buổi chiều tại đây không khí cổ động sôi nổi hơn hẳn. Phóng viên nhiều quốc gia có mặt để đưa tin. Đặc biệt, số lượng nghệ sỹ nhiếp ảnh tham gia sáng tác ảnh trên sân rất đông do môn thi đấu có nhiều yếu tố nghệ thuật. Với 3 nội dung thi đấu đồng thời trên sân, tốc độ các vận động viên nhanh, các nội dung thể hiện khoảng 2 phút như Xà đơn, Xà kép, Ngựa tay quay, Vòng treo, riêng nội dung Nhảy chống diễn ra rất nhanh. Do đó, việc quan sát các vận động viên trên sân rất sôi động, đòi hỏi người xem phải tập trung theo dõi. Khu vực quanh sân được lực lượng công an, an ninh đảm bảo tốt.
Mục tiêu của đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam là giành 3 Huy chương Vàng tại SEA Games 31, trong đó niềm hy vọng lớn được đặt vào các vận động viên ở đội tuyển thể dục dụng cụ nam. Tuy nhiên, những nội dung có tuyển thủ Carlos Yulo, đội tuyển Philippines tham dự thì khó giành Huy chương Vàng. Ngày mai (14/5) đội tuyển Thể dục dụng cụ nữ của Việt Nam sẽ tham gia thi đấu. Các tuyển thủ nam sẽ nghỉ 1 ngày, sau đó tiếp tục tham gia các nội dung vào ngày 15,16/5 vẫn diễn ra tại Sân Thể thao Tổng hợp Quần Ngựa (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Các nội dung thi đấu diễn ra từ 10 giờ sáng, trao giải cuối ngày lúc 18 giờ. Khán giả vào sân tự do và cần đảm bảo đeo khẩu trang, sát khuẩn để đảm bảo các điều kiện vệ sinh.
Bên ngoài Sân Thể thao Tổng hợp Quần Ngựa có gian hàng bán quần áo, đồ lưu niệm, linh vật Sao la với nhiều mẫu mã. Đây là quà tặng yêu thích được nhiều người lựa chọn để lưu lại kỷ niệm về một mùa SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam.