Liên quan tới nội dung này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) Lê Thị Hoàng Yến cho biết: Ngành TDTT luôn mong muốn có thể chung tay nhiều hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là công tác phòng, chống tác hại của rác thải nhựa. SEA Games 31 chính là một sự kiện rất tốt để có thể lồng ghép ý tưởng này thông qua những hành động cụ thể, thiết thực.
Bên cạnh mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa, tại Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á lần thứ nhất, Việt Nam đã thông báo tới các nước về việc phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới triển khai một kỳ SEA Games không khói thuốc. Ý tưởng này của Việt Nam đã được các nước trong khu vực ủng hộ và đánh giá cao.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, văn phòng Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam sẽ phối hợp với Ban tổ chức SEA Games 31 triển khai các đầu mục công việc gồm: Xây dựng Hướng dẫn hành trình về giảm nhựa (tự nguyện) trong sinh hoạt và quá trình tham gia sự kiện thể thao. Hướng dẫn này sẽ được phát tại tất cả các phòng nghỉ dành cho VĐV và đoàn thể thao tham dự SEA Games 31.
Tất cả những hành động này đều nhằm lan tỏa thông điệp kêu gọi cùng hành động để giảm ô nhiễm nhựa, xây dựng một Đông Nam Á lành mạnh hơn, tươi đẹp hơn; đồng thời truyền cảm hứng cho công chúng. Nội dung về chống rác thải nhựa cũng sẽ được truyền thông tại các sự kiện liên quan của SEA Games 31.
Không chỉ thông qua ảnh hưởng của các VĐV nối tiếng với người hâm mộ, lan tỏa các hành động giảm rác nhựa bảo vệ môi trường đến cộng đồng, văn phòng Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam còn mong muốn lan tỏa thông điệp tới các trưởng đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 về vấn đề ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Theo đó thông điệp “Eco Sport” - con người sống và thi đấu thể thao hài hòa với thiên nhiên sẽ được lan tỏa rộng khắp tại sự kiện thể thao lớn nhất khu vực.
Tài liệu hướng dẫn cụ thể về giảm rác thải nhựa tự nguyện cũng sẽ được lan tỏa tới các tỉnh, thành và đơn vị phối hợp tổ chức SEA Games 31 như: Trang bị thùng rác phân loại, thay thế các băng rôn, khẩu hiệu hitflex bằng chất liệu vải canvas, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như chai nước suối, bảng tên…
Bằng những hành động thiết thực này, ban tổ chức SEA Games 31 mong muốn vì một Đông Nam Á tốt đẹp hơn, mỗi người tham gia SEA Games 31 cần nhìn nhận và khẳng định vai trò, khả năng đóng góp của mình trong việc giảm ô nhiễm nhựa. Mục tiêu thay đổi hiện trạng ô nhiễm rác nhựa và tạo ra xu hướng giảm nhựa có thể được bắt đầu từ chính mỗi VĐV, cổ động viên, tình nguyện viên và doanh nghiệp cung ứng, từ đó thúc đẩy các thói quen sử dụng và thải bỏ đối với các sản phẩm nhựa trong xã hội theo nguyên tắc 4T: Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế.
Theo khảo sát của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở nhóm đầu, với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển mỗi năm.
Rác thải nhựa làm tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương. Đặc biệt, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có mặt trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe con người.