Kỳ vọng và áp lực có lẽ là 2 từ mô tả chuẩn xác nhất tình cảnh của HLV Park Choong-kyun vào thời điểm hiện tại ở CLB Hà Nội. Ông thầy sinh năm 1973 đến với đoàn quân áo tím ở thời điểm họ khủng hoảng và rối ren nhất trong vòng 11 năm qua, tương tự như bối cảnh của chính đội bóng này năm 2009.
Khi đó, sự kỳ vọng và áp lực thành tích cũng khiến HLV Triệu Quang Hà phải ra đi dù ông là một công thần. Kỷ lục 3 năm liên tiếp thăng 3 hạng không đủ để níu kéo chiếc “ghế nóng” của chiến lược gia xứ Thanh. Mãi tới năm 2010, khi HLV Phan Thanh Hùng lên nắm quyền, Hà Nội mới thực sự đi vào ổn định và trở thành thế lực của bóng đá Việt Nam.
Những gì mà ông Hùng xây dựng, định hình cho đại diện Thủ đô còn được duy trì và kế thừa qua nhiều thế hệ cầu thủ, HLV. Chiến lược “lấy ngắn nuôi dài” mà ông Hùng áp dụng đã phát huy hiệu quả tối đa. Những ngôi sao được đem về như Thành Lương, Công Vinh... trở thành cảm hứng chơi bóng, phát triển của nhiều lớp cầu thủ trẻ.
Chiến thuật 4-1-4-1 mà chiến lược gia người Đà Nẵng sử dụng vẫn luôn là công thức chiến thắng trong suốt 10 năm nay của đội bóng áo tím. HLV Chu Đình Nghiêm khi lên thay ông Hùng vẫn áp dụng, sao chép nguyên bản những gì ông Hùng từng làm, đi kèm với đó là nhiều phát kiến của chính ông thầy xứ Thanh này.
Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, bộ khung, nền móng, chiến thuật của CLB Hà Nội cần một sự thay đổi thật mạnh mẽ để theo kịp xu hướng hiện đại. Với sự có mặt của HLV Park Choong-kyun, cuộc “cách mạng” này chắc chắn sẽ diễn ra, nhưng không dễ để ông Park thay đổi toàn bộ, “đập đi xây lại”.
Rào cản đầu tiên mà chiến lược gia xứ sở Kim chi phải vượt qua đó chính là phòng thay đồ. Tâm lý anh cả hay nhóm lợi ích vẫn âm ỉ tồn tại ở CLB Hà Nội từ nhiều năm qua. Những cầu thủ tồn tại rất lâu ở Hà Nội như Văn Quyết, Thành Lương, Văn Công... là một kho tàng kinh nghiệm quý báu, nhưng cũng không dễ để họ có thể thích nghi, làm mới chính mình nhằm theo kịp sơ đồ, lối đá, cách chơi mới.
Một vấn đề nữa là giáo án tập luyện và đội ngũ y tế. Sự xuất hiện của HLV thể lực Lee Gil-nam hồi đầu mùa giải cho thấy CLB Hà Nội đang sẵn sàng thay đổi về phương pháp, cách thức tập luyện.
Tuy nhiên, giáo án mà vị HLV người Hàn này áp dụng tại đây vẫn chưa thực sự đem lại thay đổi như kỳ vọng. Hoặc, chính HLV Lee Gil-nam chưa thực sự được phát huy tất cả những kiến thức, giáo án mình có. Sở dĩ nói vậy bởi quyền quyết định cuối cùng về giáo án tập luyện vẫn thuộc về HLV Chu Đình Nghiêm.
Rất có thể, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Choong-kyun, giáo án, phương thức tập luyện sẽ là thay đổi đầu tiên được thực hiện. Trước khi trở thành trợ lý HLV chuyên môn tại Jeonbuk Hyundai Motors, ông Park từng có quãng thời gian là HLV thể lực tại Ulsan Hyundai giai đoạn 2011 - 2013.
Theo nhiều nguồn tin, người mà ông Park gặp và nói chuyện đầu tiên khi tới Việt Nam làm việc cũng chính là HLV thể lực Lee Gil-nam. Ông Park đã tìm hiểu thông tin, nội tình đội bóng Thủ đô thông qua đồng hương của mình. Ngoài ra, ông thầy người Hàn cũng sẽ thực hiện thêm một thay đổi nữa là việc “nói chuyện” với cầu thủ thông qua băng hình, thông số trong tập luyện, thi đấu.
Người đi theo ông Park sang Việt Nam được đồn đoán là một chuyên gia phân tích dữ liệu. Đây là khái niệm khá mới tại Việt Nam nhưng đã và đang là xu hướng không thể thiếu ở các nền bóng đá phát triển trên thế giới. Thậm chí, các đội bóng lớn ở nhiều giải VĐQG châu Âu còn có riêng một phòng phân tích dữ liệu.
Bóng đá Việt Nam trước đây đều làm việc phần lớn dựa vào kinh nghiệm cá nhân. Những gì đã học qua, đã được dạy, được tập khi còn là cầu thủ được nhiều HLV áp dụng nguyên vẹn khi bước vào nghiệp cầm sa bàn. Sự sáng tạo hay mới mẻ là rất ít và rất khó xảy ra ở những “lớp” HLV như vậy.
Việc thay đổi tư duy làm bóng đá, chơi bóng đá cho các cầu thủ tại Hà Nội sẽ được HLV Park Choong-kyun bắt đầu bằng vị trí chuyên gia phân tích dữ liệu này. Ông Park sẽ đưa ra những băng hình, thông số cụ thể cho từng cầu thủ để họ nhận ra được thiếu sót, nhược điểm cũng như ưu điểm của họ khi thi đấu, tập luyện.
Bên cạnh đó, rất có thể ông Park sẽ đem tới Hà Nội thêm một trợ lý HLV chuyên môn. Trợ lý này sẽ là người đưa ra những phản biện về chuyên môn đối với ông Park để tìm ra phương án tốt nhất khi áp dụng cho từng trận đấu.
HLV Park Hang-seo của ĐT Việt Nam cũng đã thành công với nước đi này khi đem sang Việt Nam trợ lý Lee Young-jin. Ông Lee được các cầu thủ tại ĐT Việt Nam coi là “bậc thầy về chiến thuật”. Một tuyển thủ từng chia sẻ: “Những phương án chiến thuật được lường trước, tập luyện trước về phương hướng nó phát triển, sai số ra sao. Tất cả mọi thứ diễn ra đều được thầy Lee lường trước và diễn giải để mọi người hiểu”.
Trở lại với CLB Hà Nội, việc thiếu đi sự phản biện và thay đổi trong sơ đồ, đội hình chiến thuật khiến đội bóng áo tím gặp rất nhiều bất lợi và ít có bất ngờ khi lâm trận. Có thể lấy một ví dụ điển hình mà giới chuyên môn cũng từng chia sẻ rất nhiều, đó là chiến thuật mang phần “một màu” tại Hà Nội.
Trong bối cảnh hiện tại, khi đang “dư thừa” trung vệ với sự xuất hiện của Việt Anh, Văn Tới, Thành Chung, Đình Trọng, Duy Mạnh…, CLB Hà Nội hoàn toàn có thể chuyển sang thi đấu với sơ đồ 3-4-3. Khi đó, sức mạnh và sự cơ động ở 2 cánh với những “máy chạy” như Lê Văn Xuân, Văn Kiên sẽ giúp CLB Hà Nội có thêm những phương án tấn công với số lượng cầu thủ tham gia tấn công nhiều hơn.
Chưa kể, nếu Văn Hậu trở lại, CLB Hà Nội có thể thêm phương án đẩy Văn Xuân lên chơi tiền vệ trung tâm hay để anh trở thành dự phòng cho Văn Kiên, nhưng đó là câu chuyện của tương lai, còn bây giờ người ta chỉ quan tâm xem liệu HLV Park Choong-kyun có thể thực hiện được cuộc “cách mạng” tại CLB Hà Nội hay sẽ lại sớm ra đi như vị GĐKT người Uruguay là ông Daniel Enriquez hồi đầu năm 2020.