Bóng đá châu Á 'rối bời' lịch thi đấu

Ban Thi đấu Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vừa họp trực tuyến bàn về những giải pháp sắp tới cho bóng đá châu Á sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Năm 2019, Hà Nội FC đại diện Việt Nam tham dự giải đấu cấp câu lạc bộ khu vực châu Á (AFC Cup). Ảnh:  TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và có những tác động không nhỏ đến các lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có đời sống bóng đá toàn cầu cũng như châu Á.

Ở thời điểm hiện tại, các giải bóng đá châu lục từ cấp đội tuyển quốc gia đến các đội tuyển trẻ (bao gồm đội tuyển nam, nữ, futsal…), các CLB đều phải tạm dừng. Điều này đang gây những thiệt hại cho bóng đá châu Á. Việc tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm phục hồi bóng đá khu vực sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là rất quan trọng.

Tham dự cuộc họp của Ban Thi đấu, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn cho biết, các thành viên AFC đều cùng dự báo về những khó khăn của bóng đá nói chung, bóng đá châu Á nói riêng, vì ngoài công tác thi đấu còn liên quan đến hệ thống marketing, tài chính, bản quyền…

Tháng 7 vừa qua, ngay khi dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, AFC đã có những điều chỉnh về thể thức thi đấu AFC Champions League và AFC Cup từ sân nhà, sân khách sang thi đấu tập trung. Căn cứ điều kiện thực tế, một số LĐBĐ quốc gia đã đứng ra xin đăng cai tổ chức các bảng đấu của AFC Champions League và AFC Cup.

Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 tháng, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến mới ở nhiều quốc gia châu Á, dẫn đến những khó khăn trong công tác tổ chức các trận đấu. Cụ thể, khó khăn liên quan đến vấn đề về hạn chế di chuyển giữa các quốc gia, vấn đề về các chuyến bay bị hủy, chưa kể đến các yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm tra, xét nghiệm và cách ly y tế. Do vậy, kế hoạch tái khởi động lại các giải đấu của AFC chưa thể được tiến hành như dự kiến.

Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của mọi người, AFC sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh và thống nhất tìm giải pháp khác phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Một số ý kiến đề xuất về các giải đấu dành cho cấp câu lạc bộ của khu vực. Trong bối cảnh dịch bệnh, nên áp dụng xếp hạng câu lạc bộ không phụ thuộc vào xếp hạng cấp đội tuyển quốc gia, từ mùa giải 2021-2022; số lượng cầu thủ ngoại ra sân thi đấu mà các CLB sẽ đăng ký là 3+1 (dự kiến mỗi câu lạc bộ được đăng ký số lượng cầu thủ ngoại không giới hạn trong tổng số cầu thủ được phép đăng ký và chỉ được ra sân 3 cầu thủ ngoại và 1 cầu thủ có quốc tịch châu Á).

Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn cho biết thêm: Dịch bệnh COVID-19 đang gây khó khăn và thiệt hại cho cả thế giới, trong đó có bóng đá. Bóng đá châu Á hiện tại chưa thể duy trì các hoạt động quốc tế, do vậy, cần có kế hoạch phù hợp để các nước tập trung phát triển các giải quốc nội. Các nước đều đang thực hiện kế hoạch phát triển bóng đá chuyên nghiệp và muốn bóng đá chuyên nghiệp phát triển thì các cầu thủ cần được thường xuyên thi đấu.

Như vậy, với các giải đấu quốc nội của Việt Nam trong thời gian tới, VFF và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) sẽ chủ động đề xuất các phương án đối với các giải chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp, nhằm đưa ra giải pháp phù hợp trong thời điểm dịch bệnh hiện tại.

L. Sơn/Báo Tin tức
AFC đưa ra giải pháp phù hợp để phục hồi bóng đá châu Á
AFC đưa ra giải pháp phù hợp để phục hồi bóng đá châu Á

Thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), chiều 23/7, Thường vụ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã có cuộc họp trực tuyến đầu tiên, sau thời gian trì hoãn để đối phó với đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN