Hãng tin SANA của Xyri ngày 17/6 đưa tin, một loạt vụ tấn công đã xảy ra trên khắp Xyri sau khi phái bộ quan sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) ngừng hoạt động vô thời hạn ở nước này với lý do bạo lực ngày càng tăng.
Xe ô tô của quan sát viên LHQ bị trúng đạn khi ở bên ngoài khách sạn ở thủ đô Đamát hôm 16/6/2012. |
Tại tỉnh miền trung Hama, một vụ đánh bom xe gần khu chợ đông người đã khiến một cảnh sát thiệt mạng, làm bị thương 6 dân thường và hàng loạt nhân viên cảnh sát. Trong khi đó, tại tỉnh Deir al-Zour ở miền đông, các nhóm vũ trang đã ám sát một nhà vật lý Xyri - một phần trong chiến lược tấn công những người nổi tiếng ở Xyri của các nhóm vũ trang này. Tỉnh Aleppo ở miền Bắc, một chiếc xe tải gắn mìn đã phát nổ gần một tòa nhà chính phủ, gây thiệt hại vật chất ước tính 40 triệu bảng Xyri.
Trong khi đó, tỉnh Homs ở miền Trung là nơi diễn ra giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và phe đối lập. Chính quyền Xyri cho biết đã phục kích nơi ẩn náu của các nhóm vũ trang nằm ở ngoại ô thủ đô Đamát, giết chết một phụ tá của lãnh đạo nhóm al-Nusra - nhóm gây ra vài vụ đánh bom ở Xyri.
Còn theo phe đối lập, trong ngày 17/6 đã có 84 người thiệt mạng, trong đó 43 người bị giết ở ngoại ô Đamát. Phe đối lập cáo buộc quân chính phủ Xyri gây ra các vụ giết chóc này. Thông tin trên vẫn chưa được kiểm chứng.
Trước đó, ngày 16/6, phái bộ quan sát viên của LHQ đã tuyên bố ngừng hoạt động tại Xyri. Theo thiếu tướng Robert Mood, trưởng phái bộ LHQ tại Xyri, đụng độ gia tăng trong vòng 10 ngày qua đã gây nguy cơ lớn cho 300 quan sát viên hoạt động khắp Xyri, hạn chế khả năng quan sát, xác minh và báo cáo thông tin về Xyri. Tuy nhiên, các quan sát viên sẽ chỉ ngừng hoạt động mà không rời Xyri cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Phản ứng với thông tin trên, chính phủ Xyri cho biết nước này thông cảm với quyết định của LHQ, đồng thời cáo buộc các nhóm vũ trang ngăn cản hoạt động của phái bộ kể từ khi phái bộ bắt đầu sứ mệnh hồi đầu tháng 4. Ông Ahmad Haj Ali, một chuyên gia chính trị, cho biết phái bộ của LHQ vấp phải hai thách thức lớn từ khi mới hoạt động, gồm thiếu phương thức hiệu quả trong kiểm soát các nhóm vũ trang ở Xyri và thiếu phương tiện để bảo vệ các quan sát viên. Theo ông Ali, phái bộ này đã bị mắc kẹt giữa nguy hiểm khi hoạt động tại Xyri và áp lực từ bên ngoài.
Mỹ, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mối lo ngại sâu sắc trước việc LHQ ngừng hoạt động của quan sát viên tại Xyri, cho rằng LHQ cần phải ngay lập tức đánh giá tình hình và thực hiện biện pháp mới để đảm bảo bạo lực không leo lên nấc thang mới.
Một quan chức thuộc Hội đồng Dân tộc Xyri (SNC) của phe đối lập cho rằng LHQ cần cấp tốc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Xyri vì "rõ ràng là không thể dựa vào các quan sát viên không có vũ trang".
Theo hãng tin AP, hoạt động của các quan sát viên LHQ tại Xyri là điểm duy nhất được thực hiện trong kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan, đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL).
Trong khi đó, hãng tin Reuters ngày 17/6 cho biết Mỹ đang tham vấn với các đối tác quốc tế về các bước tiếp theo và kêu gọi chính phủ Xyri thực hiện cam kết trong kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan.
Theo một nguồn tin Trung Đông, một phái đoàn của lực lượng nổi dậy Quân đội Tự do Xyri đã đến Oasinhtơn để nhờ chính quyền Mỹ cung cấp vũ khí hạng nặng. Theo đó, chính quyền Mỹ có thể sắp quyết định xong về loại vũ khí và thời điểm giao hàng cho phe nổi dậy Xyri. Nhà Trắng cũng gần đi đến quyết định về qui mô chiến dịch quân sự tại Xyri. Một số nguồn tin xác định chiến dịch này theo kịch bản như ở Libi, với một phiên bản vùng cấm bay qui mô nhỏ hơn. Một số quan chức Mỹ nhận định: "Can thiệp quân sự vào Xyri sẽ xảy ra. Vấn đề là vào thời điểm nào".
Thùy Dương